Nếu như thị trường tăng điểm và ổn định cả phiên sáng cũng như đầu phiên chiều thì sang gần 14 giờ, thị trường bắt đầu hoảng loạn, bán tháo. Đến khi sang phiên ATC thì lực bán đã mạnh hơn.
Đóng cửa giao dịch chứng khoán giảm sâu 26,15 điểm, ngưỡng hỗ trợ 1.425 đã thủng, VN-Index xuống 1.406,45 điểm. Toàn sàn có 101 mã tăng, 371 mã giảm và 32 mã đứng giá. HNX-Index giảm 10,43 điểm, xuống 392,69 điểm. Toàn sàn có 68 mã tăng, 183 mã giảm và 29 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 1,89 điểm, xuống 108,32 điểm.
Chứng khoán giảm sốc
Thanh khoản thị trường giảm so với phiên hôm qua khoảng 15% với tổng giá trị khớp lệnh đạt 23.935 tỉ đồng. Khối ngoại tiếp tục mua ròng khoảng 280 tỉ đồng ở sàn HoSE.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty CP chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng thực tế thị trường đã có khá nhiều thông tin trước đó làm nhà đầu tư lo lắng.
Trong phiên hôm nay, thị trường lại không quá có tin xấu rõ ràng nhưng lực cầu mua vào khá yếu ở phiên sáng, nên dù có tăng điểm thì cũng không đủ lực làm nhà đầu tư tin tưởng thị trường tiếp tục tăng. Và có thêm thông tin một số công ty chứng khoán "bóp" tỉ lệ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) ở một số mã thuộc nhóm ngành bất động sản xuống 40%, thậm chí 30% nên nhà đầu tư đã bị "yếu tâm lý" càng bán ra.
Khi tỉ lệ giảm cao thì các công ty chứng khoán tiếp tục "call margin" buộc các nhà đầu tư phải bù tiền vào tài khoản vay, nếu không cổ phiếu bị buộc bán ra giải chấp, kéo theo cổ phiếu giảm mạnh, VN-Index giảm sâu.
Riêng việc nhà đầu tư có áp lực khi kỳ đáo hạn phái sinh ngày mai diễn ra thì khả năng thị trường sẽ bị "bán tháo". Tuy nhiên, theo quan sát của ông Minh, từ đầu năm 2022 đến nay hầu hết trước kỳ đáo hạn phái sinh nếu có thì thị trường giảm ở phiên thứ 2 đầu tuần chứ không phải thứ 5. Vì vậy, câu chuyện này cũng không quá lo lắng…
Bình luận (0)