Ngày 15-4, giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục đà giảm mạnh. Trong nước, vàng miếng SJC giảm thêm 700.000 đồng/lượng. Giá vàng thế giới tuột dốc, mất hơn 150 USD/ounce (3,8 triệu đồng/lượng) chỉ trong 2 phiên khiến chênh lệch giá vàng nội - ngoại lên mức kỷ lục: 5,5 triệu đồng/lượng.
Dù giảm mạnh nhưng giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới 5,5 triệu đồng/lượng
Lao dốc mạnh
Mở cửa phiên giao dịch, giá vàng miếng SJC được niêm yết mua vào 41,85 triệu đồng/lượng, bán ra 42,05 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng so với phiên cuối tuần. Buổi sáng, có thời điểm giá vàng giảm mạnh xuống chỉ còn 41,6 triệu đồng/lượng bán ra, chiều mua vào rơi xuống 41 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào - bán ra được các doanh nghiệp (DN) nới rộng lên đến 600.000 đồng/lượng khi giá thế giới biến động phức tạp. Gần cuối ngày, giá vàng SJC ở mức 41,5 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 700.000 đồng/lượng.
Ông Nguyễn Công Tường, Phó Phòng Kinh doanh Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), nhận xét các DN vẫn chưa “hoàn hồn” trước đà lao dốc của giá thế giới từ cuối tuần qua. Trong lịch sử, đã có thời điểm trong một phiên, giá vàng mất hơn 80 USD/ounce nhưng nếu tính 2 phiên liên tiếp mà kim loại quý này mất hơn 150 USD/ounce là chưa từng xảy ra.
Ông Tường phân tích: Phiên cuối tuần, giá vàng chịu áp lực giảm khi các thông tin không mấy khả quan về thị trường bán lẻ Mỹ cũng như việc quốc đảo Cyprus sẽ bán ra 10 tấn vàng dự trữ do áp lực từ phía quỹ hỗ trợ của EU và IMF… tạo lực bán tháo diễn ra ồ ạt. Đến phiên ngày 15-4, lực bán kỹ thuật tiếp tục được củng cố càng làm giá vàng giảm sâu.
Giá vàng trong nước vẫn “neo” cao
Dù giảm không tương xứng với giá thế giới nhưng giá vàng trong nước đã về vùng thấp nhất kể từ tháng 7 năm ngoái nên đã kích thích lực mua vàng lẻ của người dân tăng mạnh. Tại trụ sở Công ty SJC, lượng người đến mua vàng tăng đáng kể. Đại diện Công ty SJC cho biết người dân mua vào khi giá vàng xuống vùng thấp trong nhiều tháng qua, chứ không quan tâm đến mức chênh lệch giá trong nước với thế giới đã hơn 5 triệu đồng/lượng. Tại PNJ, khối lượng giao dịch bình quân 1.000 lượng/ngày, trong đó bán ra chiếm đa số.
Lý giải nguyên nhân giá vàng trong nước bị “neo” cao, một DN vàng cho biết do giá trúng thầu vàng miếng đợt cuối tuần qua ở mức hơn 43 triệu đồng/lượng nên các đơn vị không thể hạ giá xuống quá sâu để chịu lỗ nặng.
6 tấn vàng đi đâu? Qua 6 phiên đấu thầu bán vàng, NH Nhà nước đã đưa ra thị trường gần 200.000 lượng vàng. Các DN và NH thương mại đã mua khoảng 160.200 lượng vàng (tương đương 6 tấn vàng). Trong khi đó, người dân rất ít mua vàng. Vậy số vàng mà DN và NH đã mua để làm gì? Theo số liệu đã được công bố, trong tổng số vàng được NH Nhà nước bán ra thị trường, Công ty Vàng bạc Đá quý DOJI đã mua 5.000 lượng, NH Tiên Phong mua 2.000 lượng, Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Quý và NH Á Châu, mỗi đơn vị 1.000 lượng... Nhiều NH khác cũng đã mua cả ngàn lượng vàng từ NH Nhà nước. Riêng phiên đấu thầu thứ 5 và thứ 6 (ngày 10 và 12-4), các thành viên tham gia đấu thầu đã mua gần 80.000 lượng vàng với giá trên 43 triệu đồng/lượng, trong đó các đơn vị mua vàng nhiều nhất vẫn là các NH thương mại. Lãnh đạo của một NH thương mại cho rằng NH Nhà nước bán vàng ra đã giúp cho các NH thương mại bổ sung nhanh nguồn cung để chuẩn bị tất toán việc huy động và cho vay bằng vàng khi hạn chót (ngày 30-6) đang đến gần. Nhiều năm trước, một số NH được phép bán ra thị trường 30% - 40% số vàng đã huy động từ dân cư nhằm chuyển đổi thành VNĐ để kinh doanh và dự kiến sau đó sẽ mua vàng qua tài khoản nước ngoài hoặc mua vàng trong nước đề bù lại số vàng đã bán này. Tuy nhiên, sau khi bán, giá vàng liên tục leo thang, đồng thời các chính sách về quản lý vàng thay đổi nên nhiều NH chưa mua đủ số vàng để trả lại cho khách hàng. Đến nay, NH Nhà nước ồ ạt bán vàng và cũng cận kề thời điểm hạn chót phải tất toán nên các NH thương mại tranh thủ gom hàng để thanh toán cho người gửi vàng. Số liệu của NH Nhà nước Chi nhánh TPHCM cho thấy đến nay, tổng nguồn vốn bằng vàng của các NH trên địa bàn là 1,63 triệu lượng, trong đó số vàng mà người dân gửi hơn 665.000 lượng, số vàng NH giữ hộ hơn 657.000 lượng và nguồn vốn bằng vàng khác khoảng 307.000 lượng. Vì thế, vấn đề mà NH Nhà nước Chi nhánh TPHCM đặt ra là các NH thương mại cần tiếp tục thanh toán số dư tiền gửi bằng vàng để tất toán trạng thái vàng đúng thời hạn quy định. Giám đốc kinh doanh của một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phân tích: Trong tổng nguồn vốn bằng vàng của các NH ở TPHCM có khoảng 40% là số vàng do khách hàng gửi tiết kiệm. Nếu các năm trước NH được phép bán vàng huy động thì chỉ bán một phần số vàng mà người dân đã gửi. Do đó, nhu cầu mua vàng của các NH thương mại để trả nợ sẽ vào khoảng 10 - 20 tấn vàng. NH Nhà nước chỉ cần bỏ ra 1 tỉ USD mua vàng qua tài khoản nước ngoài, rồi bán vàng dự trữ là đáp ứng đủ nhu cầu của các NH thương mại. Thy Thơ |
Bình luận (0)