Một trong những mục tiêu đầu tiên của cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước, không gây thất thoát ngân sách. Đây là phân tích của TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) về công tác cổ phần hóa DNNN thời gian qua tại diễn đàn Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ngày 8-8.
Theo ông Long, khi cổ phần hóa, nhiều ý kiến lo ngại khi bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại thì sẽ "mất hết" hoặc "mất thương hiệu". Dù vậy, ông Long cho rằng nên xét trên phương diện của một quốc gia thì sẽ thấy mặt được và mặt mất khi có sự tham gia của nhà đầu tư ngoại.
Minh chứng cho điều này, ông Long nhắc đến trường hợp cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, với nhà đầu tư nội được lựa chọn nhưng đã xảy ra nhiều tồn tại, khuyết điểm. Vị chuyên gia cho biết, một hãng phim truyện có tuổi đời gần 60 năm nhưng lại giao cho một nhà đầu tư chiến lược là Tổng Công ty vận tải thủy (Vivaso), không hề có kinh nghiệm và khả năng trong lĩnh vực sản xuất phim.
Theo ông Ngô Trí Long, nhà đầu tư trong nước chỉ "nhắm" vào đất vàng khi tham gia mua cổ phần DNNN
"Và tôi cũng tin rằng, không ít những nhà đầu tư chiến lược Việt khác tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước chỉ nhằm mục đích chính là bất động sản và những khu đất vàng hơn là nhằm vào thương hiệu hoặc ngành kinh doanh chính của doanh nghiệp"- ông Long nhấn mạnh.
Về kinh nghiệm quốc tế, ông Long cho biết trước mỗi thương vụ cổ phần hóa/thoái vốn, việc thực hiện điều tra chi tiết về nhà đầu tư chiến lược tiềm năng là rất cần thiết. Phần đánh giá về lịch sử và những đặc trưng trong mô hình kinh doanh của nhà đầu tư sẽ giúp cho Nhà nước phần nào xác định được khả năng gắn bó lâu dài và sự nghiêm túc của cam kết bảo vệ thương hiệu nội địa.
Cung cấp số liệu cụ thể về công tác cổ phần hóa, thoái vốn, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết đến hết Quý II/2019, đã có 35/127 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục phải cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg; có 9 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg thực hiện thoái vốn với giá trị 759 tỉ đồng, thu về 1.657 tỉ đồng. Số liệu này cho thấy việc cổ phần hóa chưa đạt kết hoạch.
Nói về những hạn chế, tồn tại của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đại diện Bộ Tài chính cho hay, hiện một số Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.
Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.
Một số Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.
Bình luận (0)