Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao xem xét, xử lý các kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về những giải pháp hỗ trợ các hãng hàng không nội địa bị ảnh hưởng do diễn biến căng thẳng trên biển Đông.
“Anh cả” mất hơn 2.880 tỉ đồng
Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) vừa đề xuất Chính phủ cho phép được giảm 25% giá/phí khai thác tại các sân bay và hoạt động điều hành bay, đồng thời giảm thuế nhập khẩu xăng dầu dùng cho máy bay từ mức 7% hiện nay xuống 3%. VNA tính toán nếu được giảm 4% thuế nhập khẩu xăng dầu từ nay đến hết năm 2014, hãng sẽ giảm được khoảng 118 tỉ đồng chi phí.
Đối với giá thuê mặt bằng và giá các dịch vụ khác tại sân bay, VNA xin chưa thực hiện tăng giá trong năm 2014. Ngoài ra, hãng cũng kiến nghị Chính phủ nới lỏng chính sách visa đối với một số thị trường quan trọng như Anh, Pháp, Đức, Úc và Ấn Độ.
Theo báo cáo mà Bộ GTVT trình lên Thủ tướng Chính phủ, các hãng hàng không nội địa đều đang gặp khó khăn do chịu ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến phức tạp trên biển Đông trong tháng 5 vừa qua. Đặc biệt, VNA chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi mất đến hơn 2.880 tỉ đồng doanh thu.
Từ giữa tháng 5, hành khách từ Trung Quốc đến Việt Nam (và ngược lại) giảm mạnh. Trong nước cũng xảy ra tình trạng ồ ạt hủy tour du lịch đến Trung Quốc. VNA buộc phải hủy 13 đường bay đến 12 điểm tại Trung Quốc từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 10 và chỉ còn duy trì các đường bay đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu.
Từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6 đã có hơn 42.000 chỗ bị hủy, tương đương gần 170 chuyến. Đối với những chuyến bay còn khai thác, hệ số sử dụng ghế đã giảm một nửa so với các chuyến bay thông thường.
Trước biến động này, kết quả kinh doanh của VNA trong tháng 5 và 6 suy giảm mạnh. Ngoài ra, biến động chính trị ở Thái Lan và Ukraine cũng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của VNA do lượng khách trên đường bay Thái Lan, Nhật Bản và Nga giảm nhiều.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho biết bộ đã giải quyết một số kiến nghị của VNA như điều chỉnh giới hạn slot (lượt cất - hạ cánh) để VNA tăng thêm 2 chuyến/ngày trên chặng Hà Nội - TP HCM, tăng chuyến bay đến Kuala Lumpur - Malaysia…
Từ tháng 5-2014, bộ đã cho phép giảm 25% trên biểu phí dịch vụ điều hành bay đi/đến, giá cất hạ cánh, soi chiếu an ninh hàng hóa, hành lý; chỉ đạo Tổng Công ty Cảng hàng không chưa tăng giá thuê mặt bằng, giá dịch vụ tại các sân bay đối với các hãng hàng không nội địa trong năm nay.
Riêng VNA, Bộ GTVT yêu cầu hãng tiếp tục lên phương án phát triển các đường bay xuyên lục địa để giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, ngay trong năm 2015 có phương án mở đường bay thẳng đến Ấn Độ.
Chỉ nên hỗ trợ ngắn hạn
Câu chuyện VNA khẩn thiết xin Chính phủ hỗ trợ khi hạch toán kinh doanh 6 tháng đầu năm sụt giảm đã làm dấy lên những ý kiến trái chiều trong dư luận. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng đã kinh doanh thì phải “lời ăn lỗ chịu”, không thể cứ khó khăn lại xin ưu đãi vì thực chất là xin tiền nhà nước.
Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng với đặc thù của ngành hàng không thì những biến động vừa qua thực sự là cú sốc. Các ngành nghề khác không bán được hàng thì phát sinh hàng tồn kho nhưng máy bay cất cánh mà không bán được vé là mất trắng, không có chuyện cất vào kho để bán sau.
Đầu vào giảm nhưng chi phí lại tăng lên vì phải điều chỉnh đường bay vòng tránh Ukraine là khó khăn không chỉ riêng của VNA. “Vì vậy, Chính phủ xem xét hỗ trợ cho các hãng hàng không là cần thiết vì đây là khó khăn do khách quan. Chẳng hạn như Malaysia Airlines đang gặp khủng hoảng, chính phủ Malaysia cũng phải tìm cách hỗ trợ. Không nên cứ thấy doanh nghiệp xin hỗ trợ là phủ nhận ngay, như thế không cầu thị” - TS Lê Đăng Doanh nhận xét.
Trong khi đó, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, nhận định vấn đề biển Đông vừa qua thực sự là cú sốc đối với nhiều doanh nghiệp, trong đó có VNA vì hãng này hoạt động quốc tế. Chính phủ đã ra nghị định về những giải pháp hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp sản xuất trực tiếp bị thiệt hại. Đối với một số ngành đặc thù, nếu khó khăn thì nên xem xét cơ chế hỗ trợ phù hợp.
Tuy nhiên, TS Thành lưu ý hoạt động hàng không liên quan đến nhiều lĩnh vực mà rõ ràng là hiện nay đang còn nhiều tồn tại trong các dịch vụ mặt đất. Cho nên cũng cần phải thực hiện tái cấu trúc để tăng năng lực của cả hệ thống. Trong thời điểm VNA chuẩn bị phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), việc hỗ trợ chỉ nên thực hiện trong ngắn hạn và phải thật sự minh bạch để không gây tâm lý hiểu sai lệch hình ảnh của ngành hàng không là thua lỗ, yếu kém. Như vậy, nhà đầu tư sẽ mất động lực rót vốn.
Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific thuộc VNA cũng bị giảm doanh thu. Hãng hàng không tư nhân VietJet cũng đã đóng đường bay Hà Nội - Thái Lan và ngừng khai thác các chuyến bay thuê chuyến từ Đà Nẵng đến một số tỉnh của Trung Quốc.
Lãi 82,3 tỉ đồng
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam vừa công bố tình hình sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2014.
Theo báo cáo, tổng doanh thu của VNA trong 6 tháng đầu năm ước đạt 27.752 tỉ đồng, đạt 48,5% kế hoạch năm; doanh thu vận tải hàng không Việt Nam ước đạt 26.036 tỉ đồng, đạt 48,3% kế hoạch năm, chiếm tỉ trọng 93,8% tổng doanh thu.
Tính riêng lợi nhuận trước thuế, VNA báo lãi ước đạt 82,3 tỉ đồng.
Chuyện ngược đời
Từng dự kiến sẽ lỗ 160 tỉ đồng do tần suất khai thác đường bay tới Trung Quốc bị giảm sút nghiêm trọng nhưng kết quả kinh doanh mà VNA vừa công bố cho thấy hãng vẫn thu về khoản lợi nhuận trước thuế 82,3 tỉ đồng.
Một doanh nghiệp nếu muốn xin ưu đãi trước hết phải cho thấy anh ta đáng được thưởng qua việc chứng minh kết quả tài chính tốt và rõ ràng. Nhưng “ông lớn” VNA lại đi xin ưu đãi lúc này thì cực kỳ khôi hài và nghịch cảnh.
Từ trước đến nay, VNA vốn đã được hưởng khá nhiều ưu đãi khi là hãng hàng không quốc gia, chiếm thị phần lớn nhất nước (62%), đó là chưa kể lại nắm cổ phần chi phối ở hãng Jetstar Pacific (chiếm thị phần trên 15%). Giá vé của VNA bao giờ cũng đắt hơn các hãng khác như vé TP HCM đi Đồng Hới, Chu Lai, Thanh Hóa… đắt gấp 1,5-2,5 lần các hãng khác. Vậy thì không lãi khủng sao được. Nay lại đi xin trợ cấp thì biết ăn nói làm sao với các hãng hàng không giá rẻ.
Triết lý kinh doanh là “lời ăn, lỗ chịu”. Thế mà VNA lại xin thêm hàng loạt cơ chế từ Bộ GTVT là giảm 25% giá các dịch vụ hàng không trong năm 2014, xin giảm mức thuế xuất nhập khẩu xăng dầu hàng không... Rõ ràng, sau ông điện lực, xăng dầu, bây giờ đến lượt hàng không quốc gia than lỗ để xin ưu đãi từ nhà nước, thực tế là tiền thuế của dân. Giữa lúc VNA đang gấp rút thực hiện cổ phần hóa, muốn IPO điều kiện bắt buộc là liên tiếp nhiều năm làm ăn có lãi, kết quả tài chính rõ ràng minh bạch để mọi người có đủ lòng tin mua cổ phiếu… thì nay lại xin hỗ trợ liệu có lấy đá ghè chân mình.
Tình trạng giảm nhiều chuyến bay đi Trung Quốc và các nước trong khi bỏ ngỏ thị trường hàng không nội địa khoảng 90 triệu dân cho thấy sự thụ động của VNA, càng đặt ra yêu cầu bức thiết gấp rút cổ phần hóa, tái cơ cấu từ hãng hàng không lớn nhất
nước này.
Nếu VNA xin ưu đãi được chấp nhận, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của các hãng bay khác, nghĩa là thêm dung túng vị thế độc quyền “ông lớn”, đồng thời cũng mất dần hình ảnh VNA. Hơn nữa, tính năng động sáng tạo, tự chủ hạch toán kinh doanh của quốc doanh không cho phép VNA tự hạ mình.
Tiến độ IPO trong năm 2014 đang đến gần. Thủ tướng vừa cảnh báo cá nhân nào không thực hiện được thì phải từ chức cùng lời cảnh báo của Bộ trưởng GTVT sẽ “gõ đầu” cả thứ trưởng lẫn lãnh đạo doanh nghiệp nếu chây ì tái cơ cấu. Vì vậy, để hoàn thành nghiệp lớn IPO, mong rằng VNA đừng để công luận “bỗng dưng muốn khóc” vì nhiều chuyện chỉ có ở “Vina” hàng không.
TS Trần Đình Bá (Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam)
Bình luận (0)