Số liệu thống kê cho thấy 6 tháng đầu năm 2009, tiêu thụ xăng dầu giảm 6% so với năm 2008. Có nhiều lý giải cho con số này, cơ bản nhất là lý do sản xuất suy giảm nên giảm tiêu dùng nhiên liệu. Nhưng trong thực tế, sản xuất công nghiệp và nhiều lĩnh vực khác vẫn tăng nên tiêu thụ xăng dầu không thể giảm.
Thị trường xăng dầu Việt
cửa hàng xăng dầu tại TPHCM. Ảnh: T.THẠNH
Không có cạnh tranh
Thị trường xăng dầu VN không có cạnh tranh. Có hơn 10 doanh nghiệp (DN) nhưng đều thống nhất chung một giá bán. Thị trường do Tổng Công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) áp đảo. Bất kỳ một DN nào muốn cạnh tranh về giá đều không có khả năng thắng.
Cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay căn cứ vào lỗ, lãi từng lít của DN là chưa phù hợp. Thứ nhất, DN có quá trình nhập khẩu, dự trữ dài, hạch toán sau một thời gian. Thứ hai, DN kinh doanh nhiều mặt hàng khác nhau; lỗ, lãi của các mặt hàng bù chéo cho nhau. Do đó, mức lỗ, lãi của mỗi DN phải tính trên tổng thể, không phải căn cứ lỗ, lãi từng lít để cho tăng hoặc giảm giá bán. Mức lỗ, lãi được tính từ giá bán đến chi phí đầu vào. Gần đây, sự thiếu ổn định về thuế nhập khẩu, trả nợ ngân sách... làm vênh giữa chi phí đầu vào của DN trong những thời điểm khác nhau. Nếu lách được lỗ hổng này, doanh nghiệp có thể thu lợi nhuận lớn.
Liên quan đến chi phí của DN như định mức hao hụt, chi phí đại lý..., lâu nay chúng ta không rà soát chặt chẽ, kể cả khi có kết quả kiểm toán để làm rõ lỗ, lãi là do giá bán lẻ chậm điều chỉnh hay chi phí bất cập. Trong đó có cả chi phí lương, vốn, rủi ro tỉ giá hối đoái và các chi phí sản xuất khác. Tóm lại, hệ thống xuất nhập khẩu xăng dầu chưa được hạch toán và đối xử giống một DN đang kinh doanh trên thị trường với một mặt hàng chiến lược đặc biệt. Thay vào đó, DN xăng dầu gần như là một bộ phận nối dài của cơ quan quản lý Nhà nước.
Muốn tăng giá phải đăng ký trước 3 tháng
Tại sao chúng ta vẫn lúng túng trong điều hành giá xăng dầu? Nguyên nhân sâu xa vì trong cơ cấu giá xăng dầu, khoảng 50% là thu về ngân sách Nhà nước (thuế xuất nhập khẩu và các khoản thu khác). Tỉ lệ thu về ngân sách khá lớn nên việc lấy giá xăng trong nước so sánh với giá của nước khác không hẳn đã hợp lý do mức thu về ngân sách của mỗi nước khác nhau nên tác động trực tiếp đến giá bán lẻ khác nhau. Hơn nữa, VN lại có dầu thô. Thông qua mức thu ngân sách, Nhà nước điều chỉnh được giá xăng dầu vì lợi ích của cả ba bên: Nhà nước, DN và người dân. Vì vậy, “thả” giá xăng về cơ chế thị trường không có nghĩa là để DN được hoàn toàn quyết định giá bán thế nào cũng được.
Một lý do khác để không “thả” giá xăng dầu: Đây là mặt hàng có tác động đến tất cả mọi lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống. Vấn đề là Nhà nước quản lý giá bằng biện pháp gì, ở mức độ nào để không làm méo mó thị trường. Kinh nghiệm từ một số nước trên thế giới cho thấy DN muốn tăng giá phải đăng ký trước 3 tháng. Đó là một cách quản lý tốt, khác với VN vài ngày lại điều chỉnh hoặc bắt tăng, giảm. Tư duy của DN VN là tăng giá mới có phát triển nên càng không thể không có sự can thiệp của Nhà nước. Một điểm rất đáng lưu ý là lâu nay, người dân luôn phản ứng với việc tăng giá xăng vì thông tin về cơ cấu giá xăng còn mù mờ. Họ thấy chính sách điều hành giá hình như chỉ vì quyền lợi DN, vì cơ chế của mình không có tiếng nói của người tiêu dùng. Cần đưa ra một cơ chế công khai tăng giá xăng dầu do những nguyên nhân nào, giảm do nguyên nhân nào để người dân yên tâm rằng có lúc DN hoặc Nhà nước cũng phải tạm thời hy sinh quyền lợi. Như thế người tiêu dùng sẽ có niềm tin và không quan tâm đến giá xăng nữa.
Bình luận (0)