Bởi trong khi những người thực sự nghèo vẫn không mảnh đất cắm dùi thì người giả nghèo lại sở hữu nhà thu nhập thấp…
Theo PGs. Ts. Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, ở Việt Nam, ngoài Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), chưa có cơ quan nào chính thức nghiên cứu tổng thể về nhà ở. Thông tin cung cấp đều tập trung vào nhà ở chính thức còn phi chính thức gần như chưa có kênh nào.
Xác định đúng nghèo
Cùng với đó, hiện nay, việc xác định người có thu nhập thấp là rất khó khăn, nếu chỉ căn cứ vào mức lương không phải nộp thuế thu nhập thì khoản này ai cũng biết.
Theo Ts. Lê Đình Tri, Phó Vụ trưởng Vụ Kiến trúc Quy hoạch (Bộ Xây dựng), thực tế đã có chuyện nhiều người mượn danh không có thu nhập để mua nhà. Nhưng cái không phải là lương hay còn gọi là thu nhập ngoài lương lại rất khó xác định. Và do vậy, nhiều người mua được nhà thu nhập thấp là người giả nghèo giả khổ.
Thực tế, đây không phải là câu chuyện mới bởi quá khứ đã thấy là không ít khách hàng đi ô tô xếp hàng mua một dự án nhà thu nhập thấp ở Hà Đông (Hà Nội) vào thời điểm năm 2010. Thậm chí có trường hợp làm doanh nghiệp đau đầu bởi sau khi xếp hàng mua nhà, họ lại bỏ không căn hộ đó.
Mỹ là nước có mô hình xây dựng nhà cho người thu nhập thấp khá lí tưởng. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề liệu Việt Nam có thể áp dụng mô hình này không thì ông Trần Ngô Đức Thọ, Nghiên cứu sinh Chương trình Tiến sĩ về Khoa học vùng và đô thị, Đại học Texas A&M (Mỹ), cho rằng: về mặt lí thuyết có thể áp dụng nhưng thể chế, chính sách của hai quốc gia không tương đồng nên khó có thể áp dụng.
“Ở Mỹ làm được điều đó vì người ta minh bạch, công khai cơ chế còn ở Việt Nam, ngay cả việc thu nhập thực của người dân là bao nhiêu, người thu nhập thấp như thế nào vẫn chưa rõ” - ông Thọ bình luận.
Vì vậy, theo ông Thọ, cần phải có một bước chính sách đột phá mới nhằm công khai số liệu để các bên liên quan dựa vào đó xây dựng khung chính sách cho những người thu nhập thấp.
Bên cạnh vấn đề xác định đúng đối tượng được mua nhà thu nhập thấp, Ts. Tri cũng cho rằng, để tránh tình trạng rút ruột công trình nhà ở xã hội, nên áp dụng một chính sách phù hợp với từng giai đoạn, chứ đừng chỉ đầu tư cho một vài doanh nghiệp vì qua doanh nghiệp, đồng tiền có thể từ 10 đồng xuống còn 5-3 đồng.
Tham gia thiết kế
Thực tế, cách cung ứng xây nhà và chuyển giao chưa phải là cách duy nhất và hữu hiệu. Vì vậy, nhiều chuyên gia đã đề xuất hãy xem nhà thu nhập thấp là quá trình sản phẩm chứ không phải là sản phẩm cung ứng. Có nghĩa là nên để người mua tham gia vào quá trình thiết kế nhà ở thu nhập thấp để mô hình này sâu sát với thực tế.
Ông Nguyễn Thành Công, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, cho rằng nhà ở là quá trình xây dựng sản xuất chứ không chỉ là sản phẩm, hãy nhìn nó dưới góc độ xã hội chứ không nên nhìn dưới góc độ tài chính hay quy hoạch.
Đồng quan điểm, ông Thọ cho biết, cần thiết để người dân tham gia vào thiết kế nhà ở cho người thu nhập thấp. Ở các nước khác, tiếng nói của người dân vào công cuộc xây dựng nhà thu nhập thấp càng lớn, tỷ lệ thành công càng cao.
Ông dẫn chứng như ở Thái Lan, nhà ở được thiết kế dưới dạng tầng một là cửa hàng, tầng hai là sân phơi quần áo. “Chính người dân mới biết họ cần gì trong ngôi nhà của mình, kiến trúc sư đâu biết nhu cầu thực sự của mỗi hộ dân” - ông Thọ nói.
Thêm vào đó, tại nhiều nước, mô hình “mini flat” với diện tích khoảng 15-20m2 được thiết kế thông minh và vẫn đáp ứng được nhu cầu số đông. Thậm chí ở Nhật có những phòng được thiết kế 5m2 với không gian sáng tạo vẫn rất vừa vặn với người sử dụng.
Như vậy, không cần thiết phải quá cầu kỳ xây nhà thu nhập thấp hàng trăm triệu đồng bởi mỗi đối tượng sẽ có nhu cầu nhà ở khác nhau. Theo PGs.Ts. Phạm Thúy Loan, đối với trường hợp vô gia cư, người lao động nghèo, chỉ cần có túp lều chui ra chui vào cũng là hạnh phúc.
“Xây một túp lều chỉ cần mảnh đất 10 - 20m2 với giá 20 triệu đồng. Ai có thể nói túp lều không phải là một tổ ấm” - bà Loan nói.
Bình luận (0)