Kết phiên giao dịch chứng khoán ngày 14-11, chỉ số VN-Index tăng 9,6 điểm, lên 1.109 điểm (Ảnh tư liệu)
Mở cửa giao dịch ngày 14-11, tuy thị trường tràn ngập sắc xanh nhưng sự phân hóa giữa các nhóm ngành lại khá rõ nét.
Các nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, bán lẻ và dầu khí diễn biến tích cực trong phiên sáng. Còn nhóm cổ phiếu thép và một số nhóm khác đánh mất động lực tăng giá. Tuy vậy, sắc xanh lan tỏa trên phần lớn cổ phiếu giúp chỉ số VN-Index trong phiên sáng có lúc tăng hơn 15 điểm.
Bước vào phiên chiều, áp lực chốt lời dần gia tăng và lấn át phe mua khiến thị trường thu hẹp đà tăng điểm. Thế nhưng, nhờ lực cầu cổ phiếu gia tăng trong nửa cuối phiên này đã giúp thị trường tăng điểm trở lại.
Nhóm 30 cổ phiếu lớn (VN30) có đến 25 mã tăng giá như MWG (+3,8%), SHB (+3,6%), STB (+2,6%), BID (+2,1%), VIB (+2,1%)… Ngược lại, chỉ có 5 giảm giá: VHM (-0,8%), HPG (-0,7%), POW (-0,4%), HDB (-0,3%), VJC (-0,2%).
Phiên này, khối ngoại có 6 phiên liên tiếp bán ròng trên sàn HoSE với giá trị 334 tỉ đồng. Họ tập trung bán các mã cổ phiếu VNM, MWG, VHM…và HPG.
Kết phiên, chỉ số VN-Index tăng 9,6 điểm, tương đương 0,88%, lên 1.109 điểm
Tuy thị trường tăng điểm nhưng Công ty Chứng khoán VCBS nhận định nhà đầu tư giao dịch có phần lưỡng lự. Hiện tại, thị trường đang kiểm tra lại vùng hỗ trợ 1.080 - 1.100 điểm của VN-Index trước khi xuất hiện xu hướng mới.
"Nhà đầu tư cần bám sát diễn biến thị trường trong phiên tới để có thể giao dịch hợp lý. Trường hợp chỉ số VN- Index tăng - giảm 10 điểm thì đó là cơ hội lướt sóng cổ phiếu ngắn hạn. Ngược lại, nếu chỉ số này hướng đến vùng cao hơn thì nhà đầu tư tạm thời hạn chế mua đuổi các mã cổ phiếu tăng giá nóng, có thể giải ngân ở các nhóm cổ phiếu dẫn dắt xu hướng thị trường trong những phiên gần đây như ngân hàng, dầu khí, điện, vận tải biển"- ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích, Công ty Chứng khoán VCBS tư vấn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Phương, Phó phòng Tư vấn khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt ( VDSC), cho biết trạng thái giằng co cung - cầu vẫn là chủ đạo. Điều này được thể hiện qua khi thanh khoản phiên ngày 14-11 tăng nhẹ.
Theo ông Phương, diễn biến giằng co sẽ tiếp tục tiếp diễn trong phiên tiếp theo. Tuy nhiên, do áp lực cung cổ phiếu đang hiện hữu nên nhà đầu tư cần chậm lại để quan sát cung - cầu, tạm thời không nên mua đuổi theo các cổ phiếu đã tăng giá mạnh, có thể tranh thủ khả năng tăng điểm của thị trường để chốt lời hoặc cơ cấu lại danh mục.
Bình luận (0)