Để giảm các chi phí liên quan đến điện, nhiều doanh nghiệp và hộ dân ở TP HCM đang tăng cường các biện pháp giảm tiêu hao năng lượng, vừa tiết kiệm chi phí vừa chia sẻ khó khăn với ngành điện.
Ra tắt - vào mở
Bà Nguyễn Thị Dung, chủ một cửa hàng ăn uống tại quận 3, cho biết đã yêu cầu tất cả nhân viên nhà hàng ý thức tiết kiệm điện tối đa. Bản thân bà khi thiết kế nhà hàng đã tính toán kỹ, bố trí không gian thoáng mát để không phải sử dụng nhiều quạt hoặc máy lạnh; tô chén rửa xong đem ra sân nắng phơi khô thay vì dùng quạt hong khô, nhờ vậy mà luôn kiểm soát tiền điện hằng tháng ở mức cố định 2,3 - 2,4 triệu đồng/tháng.
Công nhân EVN HCMC đang bảo dưỡng hệ thống điện mặt trời được lắp đặt tại tòa nhà Green Tower
Nhiều hộ gia đình cũng đã có các phương án tiết kiệm điện nhiều hơn trước, bằng cách sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, hạn chế dùng máy giặt, tận dụng điều kiện thời tiết nắng nóng vào ban ngày để phơi đồ, đêm đến tận dụng không khí mát mẻ để hạn chế sử dụng máy lạnh, quạt máy… Chị Nguyễn Thị Như Minh, ngụ quận Tân Phú, cho biết gia đình chị đã áp dụng quy tắc "ra tắt - vào mở", chỉ sử dụng điện khi cần thiết và sắp xếp tủ lạnh hợp lý, tập trung xem tivi chung chứ không xem riêng, chỉ sử dụng máy lạnh khi thật sự cần thiết, sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời… Nhờ vậy hóa đơn tiền điện của gia đình chị Minh đã giảm từ 1,1 - 1,2 triệu đồng/tháng xuống còn 800.000 - 900.000 đồng/tháng.
Theo thống kê của Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVN HCMC), năm 2016-2017, đã có 1,24 triệu lượt hộ gia đình tham gia tiết kiệm gần 800 triệu KWh điện, tương ứng tiết kiệm 1.500 tỉ đồng và giảm hơn 560.000 tấn CO2 phát thải ra môi trường. Các mô hình tiết kiệm điện triển khai ngày càng hiệu quả hơn, người dân cũng ý thức và chủ động sử dụng điện hợp lý để tránh lãng phí.
Vận động sử dụng điện năng lượng mặt trời
TP HCM là địa phương dẫn đầu cả nước về tiêu thụ điện. 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng điện tiêu thụ ở TP HCM tăng 7% so với cùng kỳ năm 2017. Ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc, người phát ngôn EVN HCMC, cho biết để tránh lãng phí tiền điện, EVN HCMC khuyến cáo người dân sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách, đúng yêu cầu. Song song đó, tổng công ty đang vận động người dân lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời nối lưới.
Theo ông Bảo, việc sử dụng điện mặt trời giúp tiết kiệm chi phí tiền điện cho người dân do không phải sử dụng nguồn điện lưới, ngoài ra người dân còn có thể bán phần điện dư không sử dụng hết cho ngành điện, giá bán hiện hành là 2.086 đồng/KWh (tương đương 9,35 UScents/KWh). Đến nay đã có 475 khách hàng tự đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái nối với lưới điện của Tổng Công ty Điện lực TP HCM với tổng công suất lắp đặt 5.280,44 kWp. Riêng EVN HCMC đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới tại 16 trụ sở các đơn vị thành viên. Trong thời gian tới, trụ sở các đơn vị trực thuộc còn lại và tại nhà điều hành các trạm biến áp 220/110 KV cũng sẽ được lắp đặt.
Đối với khách hàng, EVN HCMC đã chủ động triển khai kiểm tra thử nghiệm các yêu cầu kỹ thuật hệ thống điện mặt trời nối lưới và lắp đặt điện kế 2 chiều miễn phí cho các khách hàng có nhu cầu nối lưới. Hằng tháng, các công ty điện lực tổ chức ghi nhận chỉ số điện năng tiêu thụ và chỉ số điện mặt trời phát lên lưới cho các khách hàng đã được lắp đặt điện kế 2 chiều. Hiện EVN HCMC đang kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sớm tháo gỡ vướng mắc trong việc quyết toán tiền điện đối với phần điện dư phát lên lưới điện để có cơ sở triển khai ký kết hợp đồng mua bán điện mặt trời với khách hàng.
EVN HCMC kiến nghị TP khuyến khích các KCN -KCX, khu công nghệ cao, các cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước, trường học, bệnh viện… chủ động xây dựng kế hoạch trang bị lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới tại đơn vị.
Bình luận (0)