Xuất hiện từ tháng 18-7-2016 với một vài điểm bán ở TP HCM và một sản phẩm duy nhất là xổ số điện toán Mega 6/45, Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) trở thành hiện tượng xổ số tại Việt Nam suốt nhiều tháng sau đó, khi liên tiếp trao những giải thưởng trị giá hàng chục cho tới hơn trăm tỉ đồng cho nhiều người may mắn trúng giải.
Khi đó, người người đổ xô mua vé số Vietlott với ước mong thành tỉ phú, nhà nhà đăng ký mở điểm bán vé số Vietlott vì cơ hội kiếm lời quá lớn. Vé số Vietlott được xuất bán với số lượng lớn để đem đi bán dạo và bán về các khu vực lân cận TP HCM, thậm chí ra tới các tỉnh, thành miền Trung. Vietlott phát triển mạnh tới mức, nhiều công ty xổ số truyền thống đã lớn tiếng đổ lỗi cho vé số điện toán hút khách hàng và khiến kết quả kinh doanh của họ bị sụt giảm mạnh.
Vietlott đã có hơn 2.000 điểm bán trên cả nước. Ảnh: Thy Thơ
Trong khi đó, Vietlott vẫn khá kín tiếng và âm thầm mở rộng mạng lưới ra nhiều tỉnh thành trên cả nước. Đến nay, Vietlott đã mở rộng kinh doanh đến 34 tỉnh, thành với hơn 2.000 điểm bán, sản phẩm cũng tăng lên 3 loại, gồm: Mega 6/45, Max 4D và Power 6/55. Tuy nhiên, nghịch lý là càng mở rộng phạm vi hoạt động, số điểm bán tăng lên thì kết quả kinh doanh của Vietlott lại có dấu hiệu đi xuống, niềm tin và mức độ quan tâm của người chơi không còn lớn như trước. Kết quả là doanh số của các điểm bán không còn cao như trước, một số thua lỗ, dẫn đến đóng cửa.
Nguyên nhân được cho là các điểm bán vé của tỉnh, thành phố lớn này không còn cung cấp vé cho các tỉnh lẻ. Theo các chủ điểm bán vé, đây chính là nghịch lý của thị trường khiến các điểm bán vé Vietlott rơi vào khó khăn.
Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2017 của Vietlott cho thấy doanh thu có thuế của công ty đạt 3.843 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 216,7 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước 1.085 tỉ đồng. Với 143 cán bộ nhân viên, Vietlott đã chi 37,5 tỉ đồng trả lương trong năm 2017, tính ra mỗi nhân viên thu nhập trung bình đạt 21,9 triệu đồng một tháng.
Sang đến năm 2018, Vietlott đặt chỉ tiêu doanh thu phát hành xổ số tự chọn điện toán có thuế 4.629 tỉ đồng nhưng mục tiêu lợi nhuận lại khá khiêm tốn, chỉ 142 tỉ đồng, giảm mạnh so với năm 2017.
Tháng 5 vừa qua, thị trường vé số điện toán bất ngờ nhộn nhịp trở lại khi liên tục có người trúng giải đặc biệt Jackpot sản phẩm Mega 6/45 và Jackpot 1, 2 loại hình Power 6/55 với tổng giá trị hàng trăm tỉ đồng, đặc biệt là việc ông Q. ở Hà Nội trúng giải Jackpot 1 tới gần 304 tỉ đồng, lớn nhất từ trước tới nay. Nhiều người tin rằng sau giải thưởng này, người chơi sẽ quay lại mua vé số điện toán và doanh số Vietlott sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên, sức mua vẫn khá ảm đạm.
"Vé số Vietlott bây giờ ế lắm anh ơi!" - anh Lê Văn Thịnh, chủ một điểm bán vé gần Công viên Làng Hoa, quận Gò Vấp, TP HCM, than thở với phóng viên Báo Người Lao Động. Anh Thịnh cho biết doanh thu bán vé trong tháng 5 của anh chưa đến 100 triệu đồng. Với tỉ lệ hoa hồng được hưởng là 5%/doanh thu, tính ra anh chỉ lãi được 5 triệu đồng. Số tiền này chỉ vừa đủ trả tiền thuê mặt bằng, anh phải bỏ tiền túi 5 triệu đồng để trả lương 1 nhân viên bán vé.
Cũng theo anh Thịnh, sức mua vé số Vietlott đã giảm từ vài tháng trước. Theo đó, doanh thu bán vé của anh khoảng 200 triệu đồng/tháng, hoa hồng được 10 triệu đồng là hòa vốn vì số tiền này vừa đủ để trang trải chi phí hoạt động. Thế nhưng, kể từ tháng 4 đến nay, dù liên tục có người trúng giải độc đắc, đặc biệt là sau khi có người trúng gần 304 tỉ đồng vào ngày 5-5 nhưng sức mua trên toàn thị trường vẫn giảm khoảng 50%, khiến không ít chủ điểm bán vé thua lỗ.
"Để giảm lỗ tôi đã tính đến phương án mời một người bạn bán kèm cà phê mang đi để "gánh" bớt tiền thuê mặt bằng. Thế nhưng, người này chưa có ý định bán cà phê nên tới tôi sẽ kiếm người kinh doanh đồ chơi trẻ em"- anh Thịnh nói
Tương tự, anh Linh - chủ một điểm bán vé trên đường Phan Huy Ích, quận Tân Bình, TP HCM tiết lộ doanh thu bán vé của anh cũng giảm mạnh từ 400 triệu đồng/ tháng xuống còn 200 triệu đồng/tháng nên hoa hồng cũng chỉ vỏn vẹn 10 triệu đồng/tháng, không đủ trả tiền thuê mặt bằng 11 triệu đồng/tháng và lương cho nhân viên bán vé 6 triệu đồng/tháng. "Nếu tình trạng này kéo dài có lẽ tôi phải tính đến việc đóng cửa" – anh Linh cho biết.
Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay có khá nhiều điểm bán đóng cửa. Điển hình là trên đường số 8 quận Gò Vấp có 2 điểm đã ngưng hoạt động, nguyên nhân được cho là lợi nhuận không đủ bù chi phí hoạt động.
Theo quy định, các đại lý vé số Vietlott được hưởng hoa hồng 8%/doanh thu bán vé. Theo đó, tỉ lệ này được phân chia cho điểm bán vé 5%, đại lý cấp 2 là 2% và đại lý cấp 1 chỉ có 1%. Tuy nhiên, trên thực tế đại lý cấp 1 và cấp 2 cũng mở điểm bán vé, tính ra các điểm bán vé này được hưởng hoa hồng 7%-8% nhưng do sức mua giảm nên chủ đại lý vẫn thua lỗ hoặc may mắn hòa vốn.
Anh Minh – chủ đại lý cấp 2 tại Gò Vấp, TP HCM cho biết 10 điềm bán vé của anh mở cửa từ 6 giờ đến 20 giờ, mỗi điểm anh phải trả tiền thuê mặt bằng, chi trả lương cho 2 nhân viên khoảng 20 triệu đồng/tháng. Như thế với hoa hồng được hưởng là 7%, doanh thu mỗi điểm phải đạt 300 triệu đồng/ tháng là hòa vốn. Thế nhưng, liên tiếp trong 2 tháng qua doanh thu bán vé giảm 30%-50% khiến anh thua lỗ đậm.
Bình luận (0)