Ngành dệt may vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Trong ảnh: Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty Dệt may Gia Định. Ảnh: Tấn Thạnh
Dấu hiệu giảm xuất khẩu
TS Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu Thương mại Việt Nam, cho rằng con số nhập siêu bằng 11% kim ngạch xuất khẩu là dấu hiệu tốt. Đây là mức giảm rất mạnh sau nhiều năm kỳ vọng đưa nhập siêu về mức dưới 20% đều không đạt. Kết quả này cũng thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong nỗ lực giảm nhập siêu, nhưng cũng đồng thời báo hiệu khó khăn cho sản xuất hàng xuất khẩu vào năm 2012. Để làm hàng xuất khẩu, doanh nghiệp (DN) phải nhập khẩu nguyên phụ liệu, nay nhập khẩu giảm đồng nghĩa với giảm tốc độ sản xuất.
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Thương mại, cũng cho rằng những tháng cuối năm, nhập khẩu thường tăng mạnh nhưng năm nay tăng chậm là dấu hiệu không tốt cho sản xuất năm tới. Điều này chứng tỏ DN chưa quan tâm nhập nguyên liệu vì lãi suất cao và chưa ký được hợp đồng, chưa có đơn hàng sản xuất cho quý I và II/2012.
Dấu hiệu khác dự báo xuất khẩu Việt Nam sẽ khó khăn trong năm 2012 là các thị trường chủ chốt đều khó khăn. “Sức khỏe” của các DN cũng đang yếu đi do không có vốn, lao động có năng lực bỏ việc dần và nhiều khó khăn nội tại khác về quản trị đang bộc lộ.
Không bền vững
TS Cấn Văn Lực, cố vấn cao cấp - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), lưu ý rằng thành tích tăng xuất khẩu 30% của Việt Nam năm 2011 chủ yếu là do tăng giá, còn tăng về lượng chỉ đạt 17%. Như vậy, DN sẽ làm thế nào khi thị trường chủ chốt là Mỹ và EU (chiếm 31% thị phần xuất khẩu của Việt Nam) đang đối mặt với khủng hoảng nợ? Đây là khó khăn lớn cho DN Việt Nam trong năm tới, đồng nghĩa với kết quả giảm nhập siêu kém bền vững.
Theo ông Phạm Tất Thắng, nếu giảm nhập siêu chỉ tập trung vào biện pháp thương mại trong khi nới lỏng ở biện pháp đầu tư thì sẽ không đạt kết quả. Gần đây, nhập siêu qua dự án nước ngoài rất lớn. Do đó, bên cạnh việc tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ để tăng khả năng cung ứng nguyên phụ liệu cho hàng xuất khẩu, cần có giải pháp quản lý chặt nguồn hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu và thiết bị qua con đường dự án đầu tư của nước ngoài.
Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 96 tỉ USD, tăng 33% so với năm 2010, vượt 3 lần so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Nhập siêu năm 2011 dự kiến đạt khoảng 10 tỉ USD, bằng 10,4% kim ngạch xuất khẩu (chỉ tiêu Quốc hội đặt ra là 18%). |
Bình luận (0)