Nhằm hướng tới mục tiêu phát thải bằng 0 (net zero) của Việt Nam vào năm 2050, các doanh nghiệp "xanh" đã và đang đóng vai trò quan trọng. Khởi nghiệp xanh vì vậy cũng nhận được nhiều hỗ trợ hơn hẳn các lĩnh vực khác
Khởi nghiệp hướng đến "net zero"
Được thành lập năm 2022, Buyo hướng đến mục tiêu giải quyết vấn đề rác thải nhựa toàn cầu: sử dụng các kỹ thuật tiên tiến để biến chất thải sinh học trong sản xuất nông nghiệp như bã hèm, bã mía… thành nhựa có khả năng phân hủy sinh học trong vòng một năm. Buyo phục vụ khách hàng tại các thị trường như châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ.
Chị Đỗ Hồng Hạnh, nhà sáng lập Buyo, cho biết sản phẩm nhựa sinh học của công ty gồm 3 nhóm chính: các loại bao gói mềm như màng bọc, túi đựng; các loại nhựa cứng đa dạng như khay, bộ đồ ăn, ly, hũ, chai và nhóm 3 chưa ra thị trường, gồm các ứng dụng trong y tế, mỹ phẩm.
"Nhựa sinh học có lợi thế là bắt đúng "trend" về sản phẩm xanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các nhà sản xuất đặt yếu tố giá lên hàng đầu, giá nhựa sinh học cao hơn nhựa thông thường đang là rào cản của Buyo" - chị Hạnh nhìn nhận.
Ý thức được hạn chế của mình, Buyo đang nghiên cứu cải tiến sản xuất, kéo giảm giá thành sản phẩm. Công ty cũng chuẩn bị đến năm 2024 sẽ khởi công xây nhà máy sản xuất công suất 100 tấn/tháng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện tại, nhà máy ở TP HCM còn trong giai đoạn thử nghiệm với sản lượng khoảng 5-10 tấn/tháng.
Tương tự Buyo, Alternō cũng là một công ty khởi nghiệp tiềm năng trong năm 2023 với nỗ lực cải tiến trong lĩnh vực lưu trữ năng lượng. Cụ thể, Alternō phát triển giải pháp pin cát phục vụ nông nghiệp, giảm thiểu tác động môi trường do khai thác lithium dùng trong sản xuất pin truyền thống gây ra.
Anh Hồ Việt Hải, một trong những đồng sáng lập Alternō, cho biết sản phẩm của công ty là một trong những giải pháp pin cát tiên phong ở châu Á. "Cát vừa dồi dào vừa thân thiện với môi trường. Hệ thống pin cát của Alternō sử dụng một thùng chứa cát cách nhiệt với các ống dẫn nhiệt được nhúng trong cát. Khi sử dụng, nhiệt từ pin cát sẽ được xả qua đường ống dẫn để phục vụ nhu cầu sưởi ấm hoặc làm mát - nhu cầu chiếm đến 52% mức tiêu thụ năng lượng trên toàn cầu" - anh giới thiệu nguyên lý hoạt động của sản phẩm.
Theo anh Hải, sản phẩm này đã được ứng dụng tại Việt Nam, Malaysia và Nhật Bản. "Chúng tôi chỉ mất 6 tháng đi từ ý tưởng đến sản phẩm hoàn chỉnh và thương mại hóa. Do sản phẩm ra đời đúng thời điểm Việt Nam thúc đẩy cam kết giảm phát thải nên được thị trường đón nhận tích cực. Trong nước, pin cát đã được một số doanh nghiệp (DN) ngành trà, cà phê sử dụng" - anh tự tin.
Alternō thử nghiệm dùng pin cát để sấy trà
Nhiều lợi thế
Trên thực tế, môi trường xanh, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh đã và đang trở thành xu hướng được ưu tiên đầu tư của các nhà đầu tư toàn cầu.
Theo "Khảo sát các nhà đầu tư toàn cầu" của mạng lưới kiểm toán toàn cầu PwC, hơn 75% nhà đầu tư khẳng định cân nhắc về tiềm năng hoặc ra quyết định đầu tư cho các DN tập trung vào tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Báo cáo cũng chỉ ra rằng DN, start-up xanh đang là trọng tâm, xu hướng được ưu tiên đầu tư của các nhà đầu tư toàn cầu.
Dù chưa có thống kê chính xác nhưng theo Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững, dòng vốn đổ vào start-up xanh tại Việt Nam đang tăng nhanh. So với start-up lĩnh vực khác, start-up xanh có lợi thế tiếp cận các nguồn tài trợ bền vững từ các chính phủ, quỹ phát triển, đại sứ quán, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ lẫn các chương trình trách nhiệm xã hội của DN, tập đoàn...
Điển hình, cả Buyo và Alternō đều nhận được hỗ trợ từ chương trình ươm tạo start-up của Antler - quỹ đầu tư mạo hiểm toàn cầu với mô hình đầu tư Day Zero - từ những ngày đầu khởi nghiệp. Chương trình ươm tạo đã thúc đẩy quá trình phát triển kinh doanh của các start-up.
Một ví dụ khác là dự án máy lọc không khí AIRemydy của Công ty TNHH Tree Otek (máy không phải thay màng lọc, do vật liệu lọc được sử dụng làm giá thể trồng một số loại cây cảnh). Dự án này đã nhận được thỏa thuận đầu tư 4,5 tỉ đồng từ Quỹ Vina Capital.
Nhà sáng lập Buyo cho biết nhờ tiếp thu những kỹ năng chào hàng đầu tư (pitching), lập kế hoạch kinh doanh và phân tích độ phù hợp của sản phẩm với thị trường từ quỹ đầu tư, công ty đã có sự chuyển mình và phát triển nhanh chóng. "Ngoài Antler, một nhà đầu tư mạo hiểm khác cũng rót vốn cho công ty trong giai đoạn đầu. Chúng tôi có kế hoạch gọi vốn để phát triển giai đoạn 2" - chị Đỗ Hồng Hạnh thông tin.
Từ kinh nghiệm gọi vốn thành công, chị Hạnh cho hay nhà đầu tư thường quan tâm đến vấn đề mà dự án mong muốn giải quyết, quy mô tác động của dự án có lớn không, giải pháp của DN có mang lại sự đột phá không… Chị nhấn mạnh: "Trên tất cả, yếu tố quyết định để họ bỏ tiền đầu tư là đội ngũ start-up có đủ mạnh, đủ gắn kết để đi đường dài với nhau không".
Trong khi đó, anh Hồ Việt Hải cho rằng hiện tại, không chỉ nhà đầu tư chọn dự án để rót vốn mà start-up cũng có nhiều cơ hội để chọn nhà đầu tư phù hợp. Hiện có rất nhiều sân chơi cho start-up xanh, bao gồm các triển lãm, cuộc thi, chương trình kết nối…, giúp start-up xanh gặp gỡ, tiếp cận khách hàng, nhà đầu tư tiềm năng.
"Chúng tôi chọn Anlter vì họ có mạng lưới rộng khắp châu Âu và có chuyên môn về công nghệ khí hậu (climate tech), có thể giúp chúng tôi định hình hướng đi của sản phẩm, mở ra con đường ứng dụng pin cát vào nhiều lĩnh vực khác nhau" - anh Hải bộc bạch.
Bình luận (0)