Tại hội thảo, đa phần các chuyên gia nhìn nhận cơ hội cho thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn bởi thị trường đã giảm quá sâu, nhiều cổ phiếu đã thấp ngang, thậm chí thấp hơn giá trị sổ sách.
PGS-TS Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Ngân hàng TP HCM, gợi ý điều hành chính sách 6 tháng cuối năm với việc nới giới hạn tăng trưởng tín dụng là rất cần thiết nhưng cần làm từ từ, không ồ ạt vì sẽ gây rủi ro. Ngân hàng Nhà nước nên đưa ra kịch bản trong trường hợp chấp nhận lạm phát tăng cao hơn so với mục tiêu đề ra để có thể thực hiện điều hành lãi suất trong dài hạn.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, cho rằng Chính phủ cần quản trị khủng hoảng để ổn định vĩ mô từ nay đến cuối năm. Cần quan tâm và hạn chế tối đa việc đứt gãy chuỗi cung ứng. Việt Nam cần giải quyết các yếu tố công nghiệp nền tảng, nguyên vật liệu, hạn chế nhập khẩu. Đặc biệt nhanh chóng hoàn thiện thể chế, giải quyết các tắc nghẽn đồng thời giải quyết bài toán phân bổ nguồn lực về vốn, ngân sách, tài sản công… Về điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa, ông Ngân cho rằng Chính phủ có thể điều chỉnh tăng trưởng tín dụng lên 16% thay vì 14%.
Chia sẻ về thị trường chứng khoán, theo GS-TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế TP HCM, yếu tố chính của thị trường chứng khoán là giá trị doanh nghiệp và kỳ vọng tương lai. Hiện đầu tư công chậm giải ngân, các nhà đầu tư lớn chưa vào trong khi Chính phủ và mọi người nói nhiều về lạm phát, suy thoái, lãi suất tăng thì khó cho chứng khoán.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Đại học Fulbright Việt Nam, nêu lịch sử thị trường chứng khoán cho thấy sau 2 năm GDP tăng trưởng tốt thì chứng khoán sẽ "chạy". Còn một năm nữa mới biết được thị trường sẽ "chạy" thế nào. Hiện tại, cần tăng trưởng tín dụng khoảng 14%-15% để không tạo căng thẳng thị trường chứng khoán và bất động sản.
Một chuyên gia chứng khoán nhấn mạnh rằng thời điểm kinh tế vĩ mô có biến cố, thị trường chứng khoán trầm lắng chính là cơ hội cho nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn. Trong dài hạn, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư tốt nhất và sớm phục hồi nhất khi kinh tế hồi phục.
Cùng quan điểm, ông Lê Thành Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Quân đội (MBS), cho rằng ngành tài chính ngân hàng, cụ thể là các mã chứng khoán đang thực sự hấp dẫn. Nhiều cổ phiếu ngành chứng khoán, ngân hàng thị giá đã ngang giá trị sổ sách nên đây là cơ hội để tích lũy tài sản chứng khoán hợp lý.
Bình luận (0)