Ngày 8-2, nhiều cây xăng tại tỉnh An Giang đóng cửa hoặc treo bảng "hết xăng" vài ngày trước đó đã mở cửa phục vụ khách hàng trở lại. Tuy nhiên, trên Quốc lộ 91 lại xuất hiện một số cây xăng mới đang trong tình trạng đóng cửa hay treo bảng "hết xăng".
Lực lượng chức năng ở An Giang làm việc với một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa
Trước đó, từ ngày 5-2, nhiều cửa hàng xăng dầu ở huyện Phú Tân đóng cửa với nhiều lý do. Tại cửa hàng xăng dầu Nguyễn Văn Việt ở thị trấn Chợ Vàm đã có đơn xin nghỉ bán từ ngày 5 đến hết ngày 12-2 với lý do Công ty A.K. ở huyện Chợ Mới (An Giang) giao xăng A95 giá 24.560 đồng/lít, bằng với giá bán ra, doanh nghiệp lỗ chi phí nên xin nghỉ.
"Chúng tôi buộc phải đóng cửa vì cạn bồn xăng. Ở đây cũng có vài cây xăng đóng cửa như chúng tôi. Nếu lúc này chúng tôi nhập xăng vào, thì giá nhập bằng với giá bán ra, chúng tôi không có lời, thậm chí còn lỗ" – ông Nguyễn Văn Việt, chủ DNTN Nguyễn Văn Việt, cho biết.
Ông Trần Hữu Lộc, Phó Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Tân, thông tin ban đầu huyện có 5 cửa hàng xăng dầu đóng cửa, phòng thành lập đoàn kiểm tra tìm hiểu nguyên nhân và yêu cầu các cửa hàng mở cửa trở lại. Đến sáng 8-02, hầu hết các cửa hàng đều mở cửa trở lại.
Chiều 7-2, dọc tuyến Quốc lộ 91, cửa hàng xăng dầu Hướng Dương (xã Mỹ Đức) treo bảng "hết xăng", nhân viên báo không biết bao giờ cửa hàng có xăng bán lại.
Kiểm tra các bồn chứa xăng dầu tại những cửa hàng treo bảng "hết xăng" hoặc chỉ bán nhỏ giọt
Cùng cảnh phải treo bảng "hết xăng", cửa hàng bán lẻ xăng dầu số 58 thuộc Công ty Cổ phần dầu khí Mê Kông (phường Vĩnh Mỹ, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) vẫn mở cửa bán dầu nhưng treo thêm bảng "hết xăng A95". Theo đại diện công ty này, xe bồn chở xăng lên cửa hàng 58 chưa kịp vì những ngày Tết người đi lại quá đông nên bị kẹt xe, xăng đến chậm.
Đến sáng 8-2, cửa hàng xăng dầu Hướng Dương và cửa hàng bán lẻ xăng dầu số 58 đã mở cửa trở lại.
Thông tin về việc cung cấp xăng dầu trên địa bàn tỉnh An Giang, ông Trần Thanh Trung, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Xăng dầu An Giang (Petrolimex An Giang), cho biết một số cửa hàng đóng cửa không thuộc hệ thống của Petrolimex.
Hiện nay, tại An Giang có 50 cửa hàng và 38 đại lý trực thuộc hệ thống cung cấp của Petrolimex, trong khi đó toàn tỉnh An Giang có khoảng 600 cửa hàng xăng dầu. Do đó, Petrolimex chỉ đảm bảo cung cấp xăng dầu cho các cửa hàng thuộc hệ thống nhằm phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của người dân là chính, chứ không thể đảm bảo đủ xăng dầu cho các cửa hàng ngoài hệ thống.
Bình ổn thị trường xăng dầu ở An Giang phải do các công ty lớn cùng chung tay chứ không thể một mình Petrolimex An Giang thực hiện được.
"Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất, không đảm bảo nguồn cung ứng ra thị trường. Trong khi đó, nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết rất lớn, cộng với việc một số cửa hàng đóng cửa như vừa qua có thể sẽ gây khó khăn và tạo nhiều áp lực cho một số cửa hàng còn lại, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng của người dân" – ông Trung cho biết thêm.
Chiều 8-2, nhiều cửa hàng xăng dầu ở huyện Phú Tân và huyện Tịnh Biên vẫn mở cửa nhưng chỉ bán nhỏ giọt 20.000-30.000 đồng cho khách.
Ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang, xác nhận các đội quản lý thị trường đang khẩn trương kiểm tra các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn và yêu cầu họ mở cửa phục vụ người dân. Nếu có dấu hiệu tích trữ đầu cơ thì sẽ bị xử lý.
Đại diện một doanh nghiệp cung ứng xăng dầu cho nhiều cửa hàng ở An Giang tiết lộ các doanh nghiệp hiện nay đang phải bán lỗ do đợt điều chỉnh giá từ ngày 21-1. Các doanh nghiệp đầu mối chịu lỗ nên phải bán lại với hoa hồng bằng 0 cho các đại lý thấp hơn. Có lẽ, đó là lý do nhiều cửa hàng tạm đóng cửa hay bán nhỏ giọt như hiện nay.
Bình luận (0)