Ngày 12-6, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) phối hợp với Liên minh Minh bạch ngân sách (BTAP) tổ chức hội thảo công bố kết quả khảo sát chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI) 2018. Kết quả khảo sát phần nào phản ánh bức tranh về tình hình công khai ngân sách ở các tỉnh, thành.
Ba thành phố lớn đạt thấp
PGS-TS Vũ Sỹ Cường, đại diện nhóm khảo sát của 2 cơ quan trên, cho biết POBI được khảo sát dựa trên 2 trụ cột chính: minh bạch công khai ngân sách và sự tham gia của người dân. Kết quả khảo sát cho thấy mức độ công khai POBI năm 2018 đã được cải thiện so với năm 2017 với chỉ số trung bình là 51/100 điểm (năm 2017 là 30,4 điểm). Trong 6 tỉnh xếp vào nhóm A (nhóm đầy đủ thông tin về ngân sách), Vĩnh Long xếp đầu tiên với 90,52 điểm; tiếp đến là Bà Rịa - Vũng Tàu (85,91 điểm), Đà Nẵng (83,09 điểm). Có 27 địa phương xếp vào nhóm công khai tương đối; 21 địa phương công khai chưa đầy đủ về ngân sách và 9 địa phương ở nhóm cuối bảng là ít công khai.
Dựa trên kết quả khảo sát, ông Cường đánh giá các địa phương đã có trách nhiệm hơn trong việc công khai dự thảo dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) để người dân có thể tham gia vào quá trình thảo luận và quyết định dự toán ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, các TP lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, việc công khai, minh bạch ngân sách đạt điểm số thấp. Hà Nội và TP HCM theo chấm điểm chỉ ở mức trung bình thấp, lần lượt là 49,72 và 48,98 điểm. Đặc biệt, Hải Phòng từ 0 điểm năm 2017, qua năm 2018 chỉ nhích lên được 5 điểm, đứng cuối bảng.
PGS-TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, cho rằng để xác định nguyên nhân vì sao các thành phố lớn có chỉ số POBI đạt thấp thì cần thời gian để theo dõi thêm. Tuy nhiên, đầu tiên là do nhận thức trong vấn đề công khai ngân sách của các địa phương này, cùng với đó là tính tuân thủ các quy định của pháp luật, mà cụ thể là Luật NSNN năm 2015.
Các chuyên gia kinh tế dự hội thảo trao đổi về bảng xếp hạng POBI 2018
Cần có chế tài
Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách (Văn phòng Quốc hội), nhìn nhận khảo sát này phản ánh một phần bức tranh về công khai ngân sách địa phương. Theo ông Tân, đoàn giám sát của Quốc hội khi kiểm tra tại các địa phương thì nhận thấy địa phương thực hiện tương đối tốt việc công khai, trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Dù vậy, vẫn còn tình trạng công khai sơ sài.
Cũng theo ông Tân, hiện nay chưa có chế tài để xử lý nếu các địa phương không tuân thủ việc công khai ngân sách. Luật NSNN năm 2015, các nghị định, thông tư hướng dẫn về công khai ngân sách nhưng chưa có quy định chế tài. Do đó, sắp tới đây, Vụ Tài chính - Ngân sách sẽ tham mưu với cấp có thẩm quyền để thực hiện nghiêm việc công khai ngân sách theo quy định.
PGS-TS Vũ Sỹ Cường cũng nhìn nhận việc chưa có chế tài xử lý có thể là một trong những nguyên nhân khiến nhiều địa phương chưa tuân thủ cao việc công khai ngân sách. Theo ông, khi đã có yêu cầu công khai thì cần có các chế tài để xử lý, giám sát, xem đây là một trong những biện pháp phòng chống tham nhũng hiệu quả.
Đại diện Vụ Ngân sách - Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết thêm từ kết quả công khai ngân sách năm 2017 được công bố vào năm ngoái, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các địa phương phải mở thêm mục "công khai ngân sách" trên cổng thông tin điện tử của các sở tài chính, đồng thời tăng cường tiếp nhận các ý kiến của nhân dân. Nhờ vậy, năm 2018 đã có những cải thiện rõ nét như chỉ số POBI nói trên.
Việc công khai phải được chú trọng hơn
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng tình hình ngân sách của Việt Nam đang ở giai đoạn căng thẳng, chi thường xuyên ở mức cao nên yếu tố về công khai cần được chú trọng hơn để cải thiện.
Theo ông Doanh, trên thế giới không có nước nào mà ở các TP lại trang hoàng lộng lẫy, nhiều cổng chào như Việt Nam. Ông đánh giá việc này gây tốn kém cho ngân sách địa phương, trong khi việc chi ngân sách lại không công khai, minh bạch, người dân hoài nghi. Ông kiến nghị cơ quan quản lý cần có phương án tiết chế lại các khoản chi này.
Bình luận (0)