Đã có 63/91 tập đoàn, tổng công ty được phê duyệt đề án tái cơ cấu trong năm qua. Nhiều doanh nghiệp lớn đã chốt mốc thời gian phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), một số khác lỗi hẹn cổ phần hóa trước đây cũng bắt buộc phải thực hiện.
Hàng không, dệt may “nặng ký”
Trong số các doanh nghiệp lớn thực hiện IPO trong năm nay, đáng chú ý có Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Vietnam Airlines hiện đang giữ thị phần lớn nhất trong ngành hàng không với đội bay gồm hơn 80 chiếc. Năm 2013, doanh nghiệp này chốt kết quả thực hiện nhiều chỉ tiêu quan trọng đều cao hơn so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, đối với nguồn thu chính là sản lượng vận chuyển hành khách, Vietnam Airlines đã vận chuyển được khoảng 15 triệu lượt khách trong khi dự kiến kế hoạch là 13 triệu lượt khách. Hệ số sử dụng ghế trên toàn mạng bay ước đạt 79,5%, tăng 2,8% so năm 2012 và là mức cao nhất trong lịch sử, giúp hãng tăng được doanh thu trên cùng mức chi phí đầu tư. Doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines đạt 72.555 tỉ đồng (tăng 8,5% so với kế hoạch), nộp ngân sách nhà nước ước đạt 3.113 tỉ đồng (tăng 9,8% so kế hoạch), lợi nhuận trước thuế đạt 533 tỉ đồng, tăng 34% so với kế hoạch.
Với ngành dệt may, dự báo hoạt động năm 2014 khá thuận lợi do đây là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất khi Việt Nam kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc thường trực Vinatex, năm nay Vinatex đặt mục tiêu tăng trưởng 12%. Bên cạnh đó, đón đầu Hiệp định TPP và các hiệp định thương mại khác, Vinatex quyết tâm triển khai chủ trương sản xuất phương thức ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm cho khách hàng) ở tất cả các đơn vị thành viên với tỉ lệ 12%-14%, tăng 2%-4% so với năm trước. Kết quả sản xuất kinh doanh của Vinatex năm 2013 rất khả quan, xuất khẩu ước đạt 20,4 tỉ USD. Trong đó xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 14%, Hàn Quốc tăng 43%...
Còn nhiều doanh nghiệp xếp hàng
Trong danh sách của các bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Xây dựng còn có nhiều doanh nghiệp khác cũng có kế hoạch IPO năm 2014. Bộ GTVT dự kiến hoàn thành cổ phần hóa 10 tổng công ty (TCT), gồm Tập đoàn Công nghiệp Ô tô Việt Nam (Vinamotor), các TCT Xây dựng công trình giao thông 1, 4, 5, 6, 8, TCT Xây dựng Thăng Long, TCT Xây dựng đường thủy, TCT Vận tải thủy, TCT Tư vấn thiết kế GTVT.
Bộ Xây dựng có TCT Xây dựng Hà Nội (HANCORP) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa và thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 1.900 tỉ đồng. Năm nay, HANCORP sẽ thực hiện đấu giá 49.742.300 cổ phần, chiếm 26,18% vốn điều lệ. Một doanh nghiệp khác của Bộ Xây dựng là TCT Viglacera sẽ thực hiện IPO vào tháng 2 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Doanh nghiệp này sẽ bán đấu giá 76.947.600 cổ phần, tương đương 25,07% vốn điều lệ, mức giá khởi điểm là 10.300 đồng/cổ phần.
Như vậy, thị trường chứng khoán (TTCK) năm nay dự báo sẽ khá sôi động với sự tham gia của một loạt hàng khủng nói trên. Năm 2013, TTCK đã có những diễn biến khả quan và Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước có mức độ phục hồi mạnh nhất thế giới. Riêng thị trường trái phiếu có mức tăng lớn nhất trong khu vực. Quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 2.578 tỉ đồng, tăng 31% so với năm 2012. Chỉ số VN-Index tăng trên 22%; HN-Index tăng 13% so với cuối năm 2012. Mức vốn hóa toàn thị trường đạt khoảng 964.000 tỉ đồng (tăng 199.000 tỉ đồng so với cuối năm 2012), tương đương 31% GDP; trong đó vốn nước ngoài tăng 54% và giá trị danh mục tăng khoảng 3,8 tỉ USD so với cuối năm 2012. Tổng giá trị huy động vốn của TTCK hiện nay ước đạt 222.000 tỉ đồng, tăng 25%.
Bình luận (0)