Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Intimex, cho biết nhiều đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường đang được công ty gấp rút triển khai ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Chỉ tính trong tháng 2-2016, lượng hàng doanh nghiệp (DN) này phải xuất tăng khoảng 20% so với trước.
Dịch chuyển từ Trung Quốc
Ngay trong tuần làm việc đầu tiên, Công ty CP Dệt may Thắng Lợi sẽ xuất một container hàng dệt may sang Đức và một container đi Mỹ trị giá khoảng 30.000 USD. Ông Ngô Đức Hòa, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Thắng Lợi, cho biết những năm trước, sau Tết thường chỉ nhận được những đơn hàng nhỏ để duy trì hoạt động. Năm nay, đơn hàng dồi dào và có nhiều sự lựa chọn hơn.
Trong vài ngày tới, Công ty CP Gỗ Trường Thành cũng xuất lô hàng đầu tiên trị giá 150.000 USD sang Mỹ. Hiện đơn hàng của Trường Thành đã có đến tận tháng 8-9 và có triển vọng nhận thêm nhiều hợp đồng xuất khẩu sang Mỹ, Nhật…
Làn sóng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để hưởng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang giúp nhiều DN xuất khẩu có thêm đối tác mới. Theo ông Võ Trường Thành, Tổng Giám đốc Công ty CP Gỗ Trường Thành, xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc giúp công ty có thể tăng doanh thu xuất khẩu tới 25% trong năm nay, nhất là khi thị trường châu Âu hồi phục. Bên cạnh đó, thị trường Mỹ và Nhật vẫn tăng trưởng tốt. “Ngành gỗ được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều từ các FTA, nhất là TPP nên chúng tôi khẩn trương chuẩn bị để tận dụng cơ hội này, như vừa mua lại một DN Hàn Quốc gần công ty để mở rộng quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, củng cố lại bộ phận bán hàng, tiếp thị quốc tế cũng được củng cố nhằm tìm kiếm thêm đơn hàng mới” - ông Thành nói.
Nhiều DN ngành da giày cũng hưởng lợi từ xu hướng này. Bà Trương Thúy Liên, Giám đốc Công ty Giày xuất khẩu Liên Phát, cho biết khoảng 2 năm trở lại đây, tăng trưởng xuất khẩu của DN đều đạt 2 con số. Hiện DN đã có đơn hàng đến cuối quý III/2016, trong đó có nhiều khách hàng mới đến từ Mỹ.
Đa dạng hóa thị trường
Năm rồi, nhằm tận dụng lợi thế từ TPP, một số nhà nhập khẩu Mỹ đã đến Công ty Giày xuất khẩu Liên Phát xem xét nhà máy, chuỗi sản xuất và kiểm tra các yêu cầu về trách nhiệm xã hội (điều kiện bắt buộc) để đặt vấn đề gia công hàng xuất qua Mỹ cho họ. “Từ tháng 3-2016, chúng tôi bắt đầu sản xuất giày xuất khẩu sang Mỹ cho những đối tác mới, mở ra nhiều triển vọng từ thị trường này” - bà Liên kỳ vọng.
Cũng nhờ thị trường Mỹ, thị phần xuất khẩu của DN này sẽ cải thiện đáng kể khi không lệ thuộc quá nhiều vào châu Âu như trước đây. Để tận dụng cơ hội mới, Công ty Giày xuất khẩu Liên Phát đã khôi phục nhà máy đã đóng cửa vài năm trước, tuyển thêm lao động để mở rộng quy mô sản xuất. Điểm hấp dẫn ở thị trường Mỹ là đơn hàng lớn giúp DN tăng năng suất, ổn định việc làm cho người lao động. “Nếu một đơn hàng xuất sang châu Âu khoảng 2.000-3.000 đôi giày, cao nhất là 5.000 đôi thì khách hàng Mỹ thường đặt tối thiểu từ 8.000 đôi” - bà Liên dẫn chứng.
Số liệu của Tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy trong năm 2015, Mỹ là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với 33,48 tỉ USD, tăng 16,9% so với năm trước. Mỹ cũng là thị trường mà Việt Nam có thặng dư thương mại lớn khi xuất siêu lên tới 25,68 tỉ USD. Trong đó, các mặt hàng như dệt may, da giày đóng vai trò chủ lực và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ TPP khi thuế nhập khẩu vào thị trường này giảm về 0%.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam 2016, Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định xuất khẩu năm nay hứa hẹn sẽ đem lại nhiều cơ hội cho DN trong nước khi thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ (chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam) sẽ tiếp tục có mức tăng trưởng tốt với nhiều mặt hàng chủ lực từ dệt may, giày dép, đồ gỗ, điện tử.
Lo nguồn nguyên liệu
Ông Ngô Đức Hòa cho rằng lo lắng nhất của các DN ngành dệt may, da giày lúc này là nguồn nguyên phụ liệu dù các DN đã tập trung chuẩn bị. Yêu cầu của TPP là xuất xứ từ sợi, trong khi Việt Nam đang nhập khẩu vải chủ yếu từ Trung Quốc, nếu nay chuyển sang nhập khẩu từ các thị trường khác như Mỹ, Nhật hoặc Malaysia, chi phí đầu vào sẽ cao hơn nên khó cạnh tranh.
Ở góc độ khác, theo các DN xuất khẩu, đơn hàng dồi dào nhưng giá không tăng. Trong khi từ năm 2016, quy định mới về BHXH khiến chi phí của DN đội lên. Nhiều DN cho biết đối tác nước ngoài mới dừng lại việc xem xét, chứ chưa đồng ý tăng đơn giá. “Do là DN lâu năm trong ngành dệt may nên khách hàng nước ngoài thường tự tìm đến Thắng Lợi để đặt hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, Thắng Lợi cũng chủ động xúc tiến, tìm kiếm thị trường, khách hàng mới và sẵn sàng liên kết, hợp tác với DN cùng ngành để nhận được những đơn hàng lớn, khách hàng mới từ TPP” - ông Hòa bày tỏ.
Nông lâm sản sẽ thuận lợi hơn
Ông Đỗ Hà Nam đánh giá sau một năm kim ngạch sụt giảm mạnh, năm nay, các mặt hàng nông lâm sản như cà phê, tiêu, điều sẽ thuận lợi hơn khi nhu cầu thế giới tiếp tục tăng và Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia hàng đầu cung cấp những mặt hàng này. Gần đây, giá cà phê có phục hồi, điều chế biến của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn và giá tiêu có giảm nhưng lợi nhuận vẫn tốt. Điều quan trọng lúc này là các DN cần tập trung vào chiều sâu để cạnh tranh, tìm kiếm nguồn vốn trung và dài hạn với lãi suất hợp lý để mạnh dạn đầu tư, tạo thêm lợi thế cạnh tranh.
Bình luận (0)