Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) và các cơ quan liên quan đang nghiên cứu các gói chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), phù hợp với từng lĩnh vực, từng nhóm doanh nghiệp (DN). Đây là thông tin được Bộ KH-ĐT đưa ra tại buổi tọa đàm "Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài: Hành động và giải pháp đột phá" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 4-9.
Vốn FDI tăng mạnh
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, đến hết tháng 8-2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 19,54 tỉ USD, bằng 86,3% cùng kỳ năm 2019. Sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh trong các tháng vừa qua. Đây là dấu hiệu của làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam - điểm đến hấp dẫn với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cùng với những biện pháp phòng chống Covid-19 tích cực và hiệu quả.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), cho biết với mục tiêu đón "đại bàng" làm tổ, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt để thu hút vốn FDI. Tổ công tác này đã làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ có dự án đúng với mục tiêu chúng ta đặt ra. Nhiều tập đoàn đã đàm phán đặt dự án quy mô lớn từ 500 triệu USD đến cả tỉ USD tại Việt Nam.
Lắp ráp ôtô tại nhà máy của Công ty Ford Việt Nam Ảnh: TẤN THẠNH
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng hệ thống pháp luật của Việt Nam, mà nổi bật là các Luật DN, Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã tạo hành lang, môi trường thuận lợi cho việc thu hút đầu tư. "Các dự án có thế mạnh về công nghệ, bảo vệ môi trường, có giá trị gia tăng cao sẽ nhận được các ưu đãi tích cực, điều này cho thấy chúng ta đang thu hút đầu tư chọn lọc" - ông Đỗ Nhất Hoàng nói.
Trước các tín hiệu lạc quan về làn sóng FDI đến Việt Nam, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN FDI (VAFIE), cho rằng chúng ta cần chủ động đón làn sóng đó, tận dụng các cơ hội và tháo gỡ vướng mắc. Theo ông Toàn, nguồn nhân lực đang là bài toán khó với Việt Nam khi trình độ, tính kỷ luật còn thấp. Tuy nhiên, nguồn nhân lực của Việt Nam lại có tính sáng tạo, linh hoạt trước công việc và sẵn sàng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Cần chính sách vượt trội
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), bày tỏ băn khoăn khi sự dịch chuyển đầu tư đến Việt Nam phần lớn từ các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc. Trong khi đó, nguồn đầu tư công nghệ cao từ châu Âu, Mỹ… mà Việt Nam kỳ vọng thu hút được lại rất ít. Ông Nguyễn Đình Cung kiến nghị nên có chính sách riêng đối với từng nhà đầu tư và gọi đó là chính sách "may đo". Cùng với đó, chính sách pháp luật phải đồng bộ, tránh tình trạng ở nơi này đúng nhưng nơi khác lại sai.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN, nhà đầu tư đã và đang được Việt Nam triển khai mạnh mẽ nhưng đó là tổng thể chung, còn xét về từng lĩnh vực thì cần có các giải pháp phù hợp riêng lẻ. Ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết các bộ ngành, trong đó có Bộ KH-ĐT đang nghiên cứu các chính sách phù hợp với từng ngành, từng DN để làm sao thu hút được dòng vốn FDI chất lượng.
Vậy, DN Việt Nam cần làm gì để sẵn sàng thu hút và đón sóng đầu tư? Các chuyên gia cho rằng DN Việt cần chủ động và nâng cấp để tham gia vào chuỗi giá trị. Trong số DN Việt đã có những "cánh chim đầu đàn" nhưng tính liên kết chưa cao, chưa chú trọng đến việc nâng cấp DN và tham gia vào chuỗi giá trị. Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Đỗ Nhất Hoàng đánh giá Việt Nam vẫn đang loay hoay với vấn đề tham gia chuỗi giá trị. "DN phải chủ động nâng cấp trong khi nhà nước có chính sách hỗ trợ. DN Việt có thể mua lại DN FDI tại Việt Nam có công nghệ cao và đã tham gia vào chuỗi, đồng thời học tập kinh nghiệm của các DN nước ngoài, sẵn sàng hệ thống chuỗi để từ đó nâng cấp DN" - ông Đỗ Nhất Hoàng nêu quan điểm.
Loại bỏ chi phí không chính thức
TS Nguyễn Đình Cung nêu thực tế dòng vốn FDI không thể đến được với tất cả các địa phương trên cả nước. Hơn nữa, không phải tất cả địa phương đều đủ năng lực, điều kiện, hạ tầng để thu hút nguồn vốn chất lượng cao, công nghệ hiện đại. Ông Cung lưu ý cần loại bỏ các chi phí không chính thức bởi đây là nút thắt cản trở dòng vốn đầu tư không chỉ của các DN FDI mà còn của các DN tư nhân trong nước.
Bình luận (0)