Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến các bộ, ngành xung quanh phương án sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ Mobile Money (tiền điện tử trên thuê bao di động).
Nhà mạng sẵn sàng
Các chuyên gia đánh giá Mobile Money là giải pháp tài chính toàn diện, cho phép mọi người được tiếp xúc với các công cụ thanh toán chính thống không dùng tiền mặt và đẩy nhanh việc chuyển đổi số quốc gia.
Khách hàng đang giao dịch thanh toán điện tử thông qua dịch vụ của ngân hàng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Hiện cả 3 nhà mạng lớn ở Việt Nam là VinaPhone, Viettel, MobiFone đã đề xuất triển khai dịch vụ Mobile Money, trong đó VinaPhone và Viettel đã có giấy phép trung gian thanh toán. Từ tháng 2-2019, VinaPhone đã xin triển khai dịch vụ Mobile Money, sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán thay tiền mặt. "Trong xu hướng dịch vụ tài chính số bùng nổ hiện nay, Mobile Money là giải pháp mới để hỗ trợ chuyển đổi số. VinaPhone có tiềm lực mạnh về khoa học, công nghệ, tài chính, hạ tầng và các kênh bán hàng rộng khắp cả nước nên hoàn toàn có thể tận dụng những thế mạnh của mình để phát triển thanh toán điện tử. Hiện giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt VNPT Pay đang phát triển mạnh mẽ trên thị trường. Chúng tôi đủ điều kiện để triển khai Mobile Money nếu được Chính phủ thông qua" - đại diện nhà mạng này nói.
Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết từ tháng 9 năm ngoái, bộ đã đề xuất Thủ tướng cho phép triển khai thí điểm Mobile Money; hiện NHNN đang tiếp tục làm việc với các bộ - ngành liên quan để lấy ý kiến. "Việt Nam có khoảng 130 triệu thuê bao di động, cao hơn nhiều tài khoản NH, mạng lưới phân phối của nhà mạng rất lớn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Từ nhiều năm trước, ngành viễn thông đã biến dịch vụ di động từ xa xỉ thành bình dân, do đó sự phổ cập của điện thoại di động sẽ góp phần phổ cập thanh toán qua di động" - ông Trung nhận xét. Mobile Money sẽ là giải pháp đưa người dùng tiếp cận các dịch vụ trên nền tảng internet như y tế, giáo dục, tài chính, việc làm, an sinh xã hội… Tại Việt Nam, tỉ lệ người dùng thẻ tín dụng còn thấp nhưng mật độ thuê bao di động đã trên 100% từ nhiều năm nay; đây là điều kiện thuận lợi nhất để triển khai Mobile Money.
Đại diện Viettel cho rằng trong khi hệ thống NH chưa thể phát triển tới khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các nhà mạng đã xây dựng và mở rộng cơ sở hạ tầng đến từng xã, huyện. Mobile Money có thể giúp người dân tiếp cận các dịch vụ tài chính ngay cả khi không sở hữu tài khoản NH hoặc khó tiếp cận được dịch vụ NH, nhất là với những thanh toán hàng hóa giá trị thấp… "Mobile Money bản chất là eMoney - một dạng ví điện tử nhưng không cần có tài khoản NH, vì vậy sẽ là cánh cửa giúp tiếp cận được các đối tượng mà ví điện tử thông thường chưa phục vụ được" - đại diện Viettel phân tích.
Chuyên gia tài chính - TS Đinh Thế Hiển nhận định Mobile Money sẽ là tương lai của thanh toán điện tử bởi người dân ở vùng sâu, vùng xa có thể không có tài khoản NH nhưng ai cũng có điện thoại thông minh. Do đó, nếu triển khai thành công, sẽ tạo xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt mới, bên cạnh các kênh khác như thẻ NH…
Phải kiểm soát được chủ thuê bao
Hạn mức thanh toán dự kiến cho Mobile Money được đề xuất tối đa 10 triệu đồng/tháng. Các nhà mạng viễn thông cần đáp ứng điều kiện như được phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, có nghiệp vụ xác minh thông tin khách hàng, loại bỏ thuê bao sim rác, có nguồn tài chính bảo đảm thanh toán. Cơ quan quản lý, nhà mạng cần có năng lực về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố...
Theo các chuyên gia, nếu Mobile Money được triển khai thí điểm sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp viễn thông đầu tư vào lĩnh vực tài chính công nghệ vốn đầy tiềm năng. Mặc dù vậy, vấn đề lớn của phương thức thanh toán này là phải bảo đảm tài khoản dịch vụ Mobile Money và sim điện thoại phải được xác thực để tránh tình trạng mạo danh, lừa đảo. Để bảo đảm an ninh, bảo mật, an toàn dữ liệu, Mobile Money phải có quy định rõ ràng về việc mã hóa như thế nào, giao dịch bao nhiêu cần có mật khẩu, mã OTP… "Ví điện tử chỉ có thể nạp tiền thông qua các NH còn Mobile Money sẽ được nạp từ đại lý bán thẻ cào. Điều này làm nảy sinh nhiều vấn đề như hạn mức cho đại lý là bao nhiêu, quản lý hoạt động của các đại lý thế nào, bao nhiêu loại thẻ cào, làm sao quản lý được nguồn tiền…" - một chuyên gia công nghệ băn khoăn.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, nhìn nhận thách thức của phương thức thanh toán mới này ở chỗ khi không liên kết với tài khoản NH thì cần phải xác thực, định danh khách để tránh tình trạng tin tặc đánh cắp tài khoản để đánh cắp tiền trong ví… Bài toán lúc này thuộc về các nhà mạng, đại lý liên quan đến nạp - rút tiền để tránh phát sinh tiêu cực, biến tướng.
Dưới góc độ nhà mạng, đại diện Viettel cũng nhìn nhận khó khăn lớn nhất hiện tại là hành lang pháp lý. Việt Nam chưa có tiền lệ trong lĩnh vực Mobile Money nên Chính phủ cần cho triển khai thí điểm. Nhà mạng cũng cần kinh nghiệm nhất định, đặc biệt trong lĩnh vực trung gian thanh toán, để có năng lực về phòng chống việc rửa tiền, thanh toán hàng hóa bất hợp pháp, tài trợ khủng bố, nhất là bảo đảm quyền lợi khách hàng.
Hạ tầng nhà mạng phải tương đương ngân hàng
Theo Hiệp hội Thông tin di động thế giới (GSMA), dịch vụ Mobile Money phải đáp ứng được các tiêu chí như cung cấp khả năng chuyển tiền, thanh toán cũng như nhận tiền thông qua tài khoản của điện thoại di động, có thể cung cấp dịch vụ cho khách hàng không có tài khoản NH.
Một chuyên gia về viễn thông tại TP HCM cho biết ở nhiều quốc gia, người dân đã sử dụng tài khoản di động để mua ứng dụng, game, nhạc, video... Từ tham khảo dịch vụ của các nhà mạng nước ngoài, để có thể triển khai thành công Mobile Money, nhà mạng nhất thiết phải xây dựng được một hạ tầng tương đương như hạ tầng của một NH thương mại, nghĩa là phải bảo đảm từ khâu xác nhận thông tin khách hàng, hệ thống bảo mật thông tin, tài khoản, hệ thống thanh toán, chuyển khoản.
Bình luận (0)