Theo đó, từ ngày 20-12 (ngày VKFTA có hiệu lực), cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam và Hàn Quốc có điều kiện khai thác các ưu đãi thương mại, đầu tư mà 2 nước dành cho nhau trong VKFTA.
Cụ thể, hầu hết mặt hàng dệt may từ Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc được hưởng thuế suất 0% thay vì từ 8%-13% như hiện nay. Hàng dệt may hiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc, chiếm khoảng 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này.
Hàn Quốc cũng xóa bỏ thuế cho mặt hàng tôm (thuế suất 0%) nhập khẩu từ Việt Nam, áp dụng trong hạn ngạch: năm đầu tiên mức hạn ngạch được áp dụng là 10.000 tấn/năm, sau đó tăng thêm 10% qua mỗi năm và lên mức 15.000 tấn/năm vào năm thứ 6.
Đối với nhiều mặt hàng như rau quả, tỏi, gừng, mật ong..., Việt Nam là nước ASEAN đầu tiên Hàn Quốc cam kết cắt giảm thuế theo lộ trình kéo dài từ 10-15 năm, đem lại cơ hội rất lớn cho DN Việt Nam. Đơn cử, Hàn Quốc cam kết đưa thuế suất tỏi từ 360% hiện nay xuống còn 0% trong 10 năm.
Ngược lại, theo VKFTA, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế ngay hoặc trong thời gian ngắn cho các nguyên vật liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc để phục vụ sản xuất. Chẳng hạn, mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da giày nhập khẩu từ Hàn Quốc, Việt Nam cam kết đưa hầu hết xuống còn 0% trong thời gian từ khi hiệp định có hiệu lực đến năm 2018.
Hiện 2 nước đang tiến hành thành lập ủy ban hỗn hợp cấp bộ trưởng và các tiểu ban chức năng về thương mại hàng hóa, hải quan, phòng vệ thương mại, các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT)... để rà soát, giám sát và đưa ra các khuyến nghị nhằm thúc đẩy việc thực thi VKFTA.
Bình luận (0)