Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, khoảng 84% nợ xấu có tài sản bảo đảm và 16% không có tài sản bảo đảm. Ảnh: Tấn Thạnh
Cao gần gấp đôi báo cáo
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, quyền Chánh Thanh tra NHNN, cho biết tỉ lệ nợ xấu 202.000 tỉ đồng là theo kết quả giám sát của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng tính đến ngày 31-3. Kết quả trên được thực hiện thông qua giám sát gần 1,01 triệu khách hàng vay được chọn mẫu của 57 tổ chức tín dụng Việt Nam, chiếm tới 90,1% tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng này. Trong khi đó, theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, nợ xấu tính đến ngày 31-5 chỉ hơn 117.000 tỉ đồng, chiếm 4,47% tổng dư nợ tín dụng.
Giải thích về sự vênh nhau giữa 2 số liệu được công bố, ông Nghĩa cho biết nguyên nhân là do nhiều ngân hàng giấu giếm, báo cáo sai về nợ xấu. Các ngân hàng này đã không thực hiện đúng quy định về phân loại nợ, ghi nhận nợ xấu thấp hơn thực trạng và quy định để giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro, đồng thời có báo cáo tài chính đẹp hơn. Theo NHNN, nợ xấu chủ yếu rơi vào sản xuất công nghiệp, xây dựng - những lĩnh vực thời gian qua chịu sự tác động từ sự đóng băng kéo dài của thị trường bất động sản (BĐS).
Đối với 2 lĩnh vực nhạy cảm là BĐS và chứng khoán, dư nợ tín dụng đã giảm. Cụ thể, dư nợ tín dụng về BĐS đến cuối tháng 5-2012 chỉ chiếm khoảng 197.000 tỉ đồng trong tổng dư nợ tín dụng của cả nền kinh tế là 2,6 triệu tỉ đồng. Trong đó, nợ xấu tín dụng BĐS khoảng 12.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 6,5% dư nợ tín dụng và khoảng 10,3% tổng nợ xấu ngân hàng theo báo cáo của các tổ chức tín dụng. Dư nợ tín dụng về chứng khoán trong cùng thời kỳ cũng chỉ còn khoảng 12.000 tỉ đồng, trong đó có khoảng 485 tỉ đồng nợ xấu.
40% nợ xấu có khả năng mất vốn
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, khoảng 84% nợ xấu có tài sản bảo đảm và 16% không có tài sản bảo đảm. Tổng giá trị tài sản bảo đảm bằng 135% tổng nợ xấu, nếu tính riêng các khoản nợ xấu có bảo đảm bằng BĐS thì tỉ lệ này là 180%.
Tính đến ngày 31-5, các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu được khoảng 67.300 tỉ đồng, tương đương khoảng 57,2% nợ xấu.
Đáng lưu ý, ông Nghĩa cho biết 40% trong tổng số 202.000 tỉ đồng nợ xấu rơi vào nhóm 5 - có khả năng mất vốn. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định là mất trắng vì nợ nhóm 5 cũng đã được trích lập dự phòng rủi ro tương đối đầy đủ theo quy định của NHNN và có tài sản bảo đảm tương đối cao.
Ngân hàng yếu kém mới xé rào lãi suất Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết động cơ để các ngân hàng vi phạm trần lãi suất giảm rất nhiều nhưng không có nghĩa trên thị trường đã chấm dứt hiện tượng này. Nếu so với thời điểm cuối năm 2011, thanh khoản hệ thống đã được cải thiện hơn rất nhiều, khả năng mở rộng tín dụng của các ngân hàng khó khăn nên nhu cầu mở rộng huy động vốn cũng không còn căng thẳng như trước. Theo ông Nghĩa, những tháng cuối năm, NHNN sẽ có nhiều chính sách trên cơ sở về trần lãi suất để chỉ đạo điều hành tại từng ngân hàng. Sau ngày 15-7, Thanh tra NHNN ở các địa phương sẽ thanh tra tại các ngân hàng cơ sở về việc chấp hành quy định về lãi suất huy động và sẽ xử lý nghiêm các vi phạm. “Những tổ chức tín dụng “xé rào” thường là yếu kém và đang có vấn đề thanh khoản. Do đó, NHNN sẽ triển khai quyết liệt trong cơ cấu lại các tổ chức này và có sự giám sát chặt chẽ” - ông Nghĩa nhấn mạnh.
H.Quang |
Bình luận (0)