xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhiều ngành kinh tế tăng trưởng thấp

TÔ HÀ - THÁI PHƯƠNG

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2017, cả nước có tới 13/20 ngành kinh tế cấp 1 có mức tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái

Ngày 29-6, Tổng cục Thống kê đã công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phân tích những diễn biến chính của bức tranh kinh tế năm 2017.

Khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết nửa đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế đạt 5,73%. Riêng trong quý II, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã khởi sắc, đạt mức 6,17% - mức cao nhất từ năm 2012 đến nay. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức kỳ vọng 6,26% như Chính phủ đã đề cập khi triển khai hàng loạt giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ tăng trưởng.

Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7% như Quốc hội đề ra thì tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải đạt trên 7,4%. Tuy nhiên, theo ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia - Tổng cục Thống kê, số liệu từ năm 2011 đến nay cho thấy chưa có nửa cuối năm nào đạt được mức tăng cao như vậy. Vì thế, mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 6,7% là một thách thức rất lớn.

Những bất lợi được nêu ra là nhập siêu đã quay trở lại với mức 2,7 tỉ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 1,3 tỉ USD. Tồn kho sản phẩm vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến việc duy trì và mở rộng sản xuất trong thời gian tới. Bên cạnh đó, so với 6 tháng đầu năm ngoái, 6 tháng đầu năm nay, 13/20 ngành kinh tế cấp 1 có mức tăng trưởng thấp hơn, 2/3 số này đang có mức tăng rất thấp. Thậm chí, ngành khai khoáng còn tăng trưởng âm rất lớn so với cùng kỳ năm trước; ngành sản xuất, phân phối điện cũng có mức tăng thấp. Đây là dư địa để có thể hỗ trợ tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

Nhiều ngành kinh tế tăng trưởng thấp - Ảnh 1.

Tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2017 đạt mức cao nhất trong 6 năm qua nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra

Ảnh: Tấn Thạnh

Tổng Cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho rằng cần đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 18%, tạo điều kiện vay vốn sản xuất - kinh doanh, vay tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần có giải pháp phù hợp để thu hút các nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm vốn đầu tư 34% - 35% GDP. Đặc biệt, cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ở các dự án lớn, quan trọng.

Tổng cục Thống kê cũng đưa ra giải pháp duy trì và thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, cần có chính sách thúc đẩy sản xuất các ngành trong nước như đường, phân bón; có biện pháp phòng vệ thương mại trong WTO để bảo vệ ngành thép; tìm thị trường cho ngành da giày, dệt may...

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng cần thực hiện tốt chỉ thị của Chính phủ. Để thúc đẩy tăng trưởng, cần xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ kéo dài, thúc đẩy tổng cầu trong nước, tăng khả năng cạnh tranh của hàng trong nước với hàng nhập khẩu.

Tiền đang đổ vào bất động sản?

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, huy động vốn của các tổ chức tín dụng trong 6 tháng đầu năm giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 5,89% nhưng tăng trưởng tín dụng lại lên tới 7,54% - mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây. So với cùng kỳ các năm trước, tín dụng 6 tháng đầu năm 2017 đã có mức tăng khá mạnh - năm 2012 giảm 0,2%, năm 2013 tăng 3,31%, năm 2014 tăng 2,02% và tăng cao nhất là năm 2015 cũng chỉ ở mức 6,285%.

Tín dụng tăng cao cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN) cùng với thu nhập lãi của các ngân hàng (NH) thương mại có sự cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, tín dụng tăng mạnh trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) có sự cải thiện đáng kể và số lượng DN BĐS gia nhập thị trường tăng đột biến trong 6 tháng đầu năm khiến nhiều ý kiến lo ngại vốn đang đổ mạnh vào lĩnh vực này.

Cụ thể, báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trong 6 tháng đầu năm, số lượng DN đăng ký thành lập mới trong lĩnh vực kinh doanh BĐS tăng mạnh nhất với 2.279 DN, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng DN BĐS quay trở lại hoạt động cũng cao hơn so cùng kỳ với 257 DN…

Tuy vậy, lãnh đạo nhiều NH thương mại khẳng định dòng vốn vẫn đổ vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Tại NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), trong 5 tháng đầu năm, tín dụng tăng 6,94% so với đầu năm nhưng tập trung vào các lĩnh vực khách hàng DN vừa và nhỏ (tăng 9%), lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (tăng 11,5%), công nghiệp hỗ trợ (tăng 15%) và DN ứng dụng công nghệ cao (tăng trên 30%)... Đại diện BIDV cho biết năm nay, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của NH dưới 16% và sẽ tập trung cho vay an toàn, bền vững với các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung - dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, BĐS, các dự án BOT, BT giao thông.

Theo ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm của NH cũng ở mức cao với 10,1%. Trong đó, tín dụng trung - dài hạn tăng 8,34%, chủ yếu tập trung cho lĩnh vực sản xuất, đầu tư vào các nhà máy, thiết bị phục vụ sản xuất - kinh doanh. Riêng với phân khúc tín dụng BĐS và các công trình BOT giao thông, Vietcombank không chủ trương cho vay nhiều do một số vấn đề về hiệu quả, đánh giá thị trường còn rủi ro.

"Một vài dự án BĐS chúng tôi đang cho vay nhưng không đáng kể" - ông Thắng cho biết. 

Kiểm soát chặt tín dụng tiêu dùng

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), cho biết dư nợ cho vay BĐS trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm chỉ chiếm tỉ trọng khoảng 10% tổng dư nợ. Điều cần quan tâm là tín dụng tiêu dùng tăng nhanh và chiếm tỉ lệ khá lớn trong tổng dư nợ. Chỉ trong 4 tháng đầu năm, dư nợ cho vay tiêu dùng đã là 18.275 tỉ đồng, chiếm 15,9% tổng dư nợ trên địa bàn, trong đó có cho cá nhân vay xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ chủ yếu từ tiền lương. Nếu không quản lý chặt chẽ, người vay có thể chuyển qua đầu tư BĐS dễ phát sinh rủi ro.

Ông Lê Hoàng Châu nhìn nhận: "Thị trường BĐS vẫn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro, như đã có tình trạng lệch pha cung cầu, chủ yếu lệch về phân khúc BĐS cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng. Nguồn vốn tín dụng của các NH và nguồn vốn xã hội (chủ yếu của người mua nhà) đổ vào thị trường BĐS rất lớn, có xu hướng lệch vào một số DN lớn và vào phân khúc BĐS cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng; chưa kể có sự gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo