Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2021. Tính đến ngày 31-12-2021, cả nước có 826 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, gồm 673 doanh nghiệp nhà nước và 153 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của nhà nước.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Ảnh minh hoạ
Theo đánh giá của Chính phủ, năm 2021, tổng tài sản của 826 doanh nghiệp này là gần 3,75 triệu tỉ đồng, tăng 2% so với năm 2020. Vốn chủ sở hữu là gần 1,8 triệu tỉ đồng, tăng 3%. Tổng doanh thu đạt gần 2,13 triệu tỉ đồng, tăng 8%. Lãi phát sinh trước thuế của các doanh nghiệp này đạt hơn 205 ngàn tỉ đồng, tăng 25% so với năm 2020.
Liên quan đến tình hình kinh doanh của 673 doanh nghiệp Nhà nước, nhóm doanh nghiệp có tổng tài sản đạt 3,65 triệu tỉ đồng, tăng 1% so với năm 2020. Vốn chủ sở hữu là 1,75 triệu tỉ đồng, tăng 3%. Tổng doanh thu của 673 doanh nghiệp Nhà nước đạt 2,04 triệu tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2020. Lãi phát sinh trước thuế đạt 198.672 tỉ đồng, tăng 25%. Năm 2021, các doanh nghiệp này đóng góp vào ngân sách 316.778 tỉ đồng, tăng 6% so với năm 2020.
Tuy nhiên có 58/673 doanh nghiệp (chiếm 9% tổng số doanh nghiệp Nhà nước) có lỗ phát sinh, với tổng số lỗ là 15.785 tỉ đồng và có tới 138/673 doanh nghiệp (chiếm 21% tổng số doanh nghiệp Nhà nước) còn lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 50.125 tỉ đồng.
Đối với tình hình tài chính của 75 doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con do nhà nước giữ 100% vốn, số liệu của Chính phủ cho thấy có 9/75 công ty mẹ được xác định là chưa bảo toàn được vốn chủ sở hữu (doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lỗ, bao gồm cả trường hợp còn lỗ lũy kế sau khi trích lập các khoản dự phòng rủi ro theo quy định). Cụ thể: Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ lũy kế là 2.613 tỉ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lỗ lũy kế 1.822 tỉ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Cà phê Việt Nam lỗ lũy kế 453 tỉ đồng; Công ty mẹ - Công ty TNHH MTV Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM lỗ lũy kế 426 tỉ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty 15 lỗ lũy kế 156 tỉ đồng...
Theo báo cáo của Chính phủ, lỗ phát sinh theo báo cáo hợp nhất của 5 tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con là 1.830 tỉ đồng. Trong đó: Công ty TNHH MTV Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM lỗ phát sinh 771 tỉ đồng; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lỗ phát sinh 518 tỉ đồng; Công ty TNHH MTV 622-BQP lỗ phát sinh 50 tỉ đồng....
Lỗ phát sinh theo báo cáo của 5 công ty mẹ là 2.369 tỉ đồng. Công ty mẹ - Công ty TNHH MTV Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM lỗ phát sinh là 1.592 tỉ đồng do trong năm 2021 đã trích lập dự phòng rủi ro cho vay dẫn đến chi phí tăng mạnh; Công ty mẹ - TCT Đường sắt Việt Nam lỗ phát sinh 565 tỉ đồng; Công ty mẹ - Công ty TNHH MTV 622 lỗ phát sinh 33 tỉ đồng.
Đối với lỗ lũy kế, báo cáo hợp nhất có 16 tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con còn lỗ lũy kế là 14.703 tỉ đồng. Cụ thể: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam 3.038 tỉ đồng; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam 1.976 tỉ đồng; Tổng công ty Cà phê 857 tỉ đồng; Tổng công ty 15 (548 tỉ đồng); Công ty TNHH MTV 622 - Bộ Quốc phòng 77 tỉ đồng; Tổng công ty Du lịch Hà Nội 69 tỉ đồng; Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn 61 tỉ đồng…
Còn 9 công ty mẹ còn lỗ lũy kế là 5.532 tỉ đồng gồm: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (2.612,7 tỉ đồng); Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (1.822 tỉ đồng); Tổng công ty Cà phê (453 tỉ đồng); Công ty TNHH MTV Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (426 tỉ đồng); Tổng công ty 15 (156 tỉ đồng); Công ty TNHH MTV 622 - Bộ Quốc phòng (54 tỉ đồng).
Dù vậy, báo cáo của Chính phủ cũng cho biết các Công ty mẹ có số nộp lợi nhuận vào ngân sách nhà nước lớn như: Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội đã nộp 16.781 tỉ đồng; Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã nộp 11.635,8 tỉ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước đã nộp 8.833 tỉ đồng; Công ty mẹ - TCT Thương mại Sài Gòn đã nộp 2.256 tỉ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã nộp 1.478 tỉ đồng; Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nộp 1.472,6 tỉ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã nộp 1.137,8 tỉ đồng.
Về tồn tại hạn chế, theo đánh giá của Chính phủ, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước chưa xứng với nguồn lực nắm giữ. Một số dự án có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, rủi ro cao như dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản; một số dự án có lỗ lũy kế lớn, lỗ liên tiếp trong nhiều năm, phương thức tái cấu trúc chưa hiệu quả...
Cùng với đó, trách nhiệm thực thi quyền chủ sở hữu nhà nước chưa thật sự rõ ràng; cơ quan đại diện chủ sở hữu thiếu nguồn lực, chưa hoạt động chuyên nghiệp và chưa tách bạch chức năng chủ sở hữu với quản lý nhà nước.
Bình luận (0)