Theo đó, để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về bình ổn thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước sát với thế giới và chủ trương của Chính phủ về xóa bỏ “vàng hóa” trong nền kinh tế. Đồng thời, trên cơ sở đánh giá tình trạng mất cân đối về cung cầu vàng trong nước, trong đó có nhu cầu mua vàng để tất toán số dư huy động vốn bằng vàng trước ngày 30-6 của các tổ chức tín dụng. NH Nhà nước đã can thiệp bình ổn thị trường vàng trong đó có dùng một phần ngoại tệ thuộc dự trữ ngoại hối để nhập khẩu vàng nguyên liệu, sản xuất vàng miếng tăng cung cho thị trường qua các phiên đấu thầu vàng.
Việc can thiệp bình ổn thị trường vàng của NH Nhà nước phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của NH Nhà nước theo Luật NH Nhà nước và các quy định khác như Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, Nghị định 86 về quản lý dự trữ ngoại hối, Quyết định 16 của Chính phủ về mua bán vàng miếng của NH Nhà nước trên thị trường trong nước…
Trong khi đó, trước khi có Nghị định 24, mỗi năm NH Nhà nước phải cấp phép nhập khẩu bình quân khoảng 50-60 tấn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Việc này đã gây ảnh hưởng đến tỉ giá, CPI, sự ổn định kinh tế vĩ mô và ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô dự trữ ngoại hối.
Nay, khi NH Nhà nước độc quyền nhập khẩu, sản xuất vàng miếng làm giảm mạnh nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu vàng. Việc NH Nhà nước không cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng cùng với hiệu quả của các chính sách bình ổn kinh tế vĩ mô của Chính phủ giúp tình hình cung cầu ngoại tệ cải thiện cơ bản, giảm đáng kể tình trạng đô la hóa nền kinh tế.
Đồng thời, việc chấm dứt chính sách huy động vàng, cho vay vàng đã loại trừ rủi ro liên quan đến vàng trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Cơ quan này cho biết, hơn 1 năm qua, các tổ chức tín dụng đã mua được hơn 100 tấn vàng trên thị trường trong nước để chi trả cho người dân mà không cần ngoại tệ nhập khẩu vàng.
Theo NH Nhà nước, lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu vàng nhỏ hơn nhiều so với trước đây và chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ lượng ngoại tệ NH Nhà nước đã mua vào thời gian qua. Hiện dự trữ ngoại hối nhà nước đang ở mức cao nhất từ trước đến nay.
Liên quan đến các phiên đấu thầu vàng miếng của NH Nhà nước, sáng nay 9-5, phiên đấu thầu vàng miếng thứ 15 sẽ được tổ chức với khối lượng vàng chào thầu là 26.000 lượng. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 41,13 triệu đồng/lượng.
Đến nay, qua các phiên đấu thầu, NH Nhà nước đã bơm ra thị trường hơn 15,1 tấn vàng miếng, trong đó một phần lớn được các tổ chức tín dụng mua để tất toán trạng thái huy động vàng trước ngày 30-6.
Giá vàng miếng trong nước sáng nay quay đầu tăng mạnh theo đà đi lên của giá thế giới. Lúc 9 giờ, giá vàng miếng SJC tại TPHCM được niêm yết mua vào 41,45 triệu đồng/lượng, bán ra 41,65 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 250.000 đồng/lượng so với chiều hôm qua.
Giá vàng thế giới cũng hồi phục mạnh khi leo lên mức 1.474 USD/ounce. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã được rút ngắn xuống còn khoảng 4,3 triệu đồng/lượng.
Bình luận (0)