Làng Tân Cổ, xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, được xem là làng nuôi cá chép đỏ truyền thống, lâu đời và lớn nhất xứ Thanh. Mỗi dịp Tết đến, làng sản xuất "phương tiện" cho ông Công, ông Táo về trời lại nhộn nhịp hẳn lên.
Người dân làng Tân Cổ hút nước ra khỏi ao để thu gom cá chép đỏ phục vụ cho ngày cúng ông Công, ông Táo 23 tháng Chạp âm lịch
Sáng sớm ngày 26-1 (tức ngày 21 tháng Chạp âm lịch), nhiều người dân làng Tân Cổ đã đưa máy hút nước ra ao để hút nước ra ngoài, thu gom cá chép đỏ tập trung về một chỗ để chuẩn bị xuất bán. Cá chép ở làng Tân Cổ nổi tiếng có hình dáng đẹp, đỏ đều, cá sống khỏe… nên được người dân nhiều nơi ưa dùng.
Theo người dân nơi đây, năm nay cá chép bán ra có giá ổn định, không cao lắm so với năm trước với giá dao động từ 100.000 đến 120.000 đồng/kg (năm trước giá từ 120.000-150.000 đồng/kg. Năm nay thời tiết cũng thuận lợi, vì thế cá chép được người dân làng Tân Cổ nuôi khá nhiều, đủ sức phục vụ người dân địa phương và một số tỉnh lân cận.
Bà Nguyễn Thị Thảo cho biết gia đình bà đã nuôi cá chép đỏ từ khi bà đang còn nhỏ, nghề nuôi cá chép không giàu có nhưng là nghề truyền thống của người dân, vì thế ở đây nhà nào cũng có 1 cái ao trước nhà. "Việc nuôi cá chép không hề đơn giản, từ việc chọn giống, làm ao cho đến nguồn nước duy trì trong ao, bởi nếu gặp phải nước bẩn độc hại, cá sẽ chết hoặc bị bệnh, sẽ ảnh hưởng không tốt cho việc thờ cúng"- bà Thảo chia sẻ.
Bà con nơi đây cho biết, khi cá chép được gom lại, từ ngày 19-22 tháng Chạp, thương lái sẽ đến tận nơi thu mua hoặc gọi điện thoại trước để cho gia đình phân loại cá, sau đó cho vào bao tải bơm ôxy vận chuyển đi các huyện trong tỉnh và ra Ninh Bình, thậm chí vào tận Quảng Bình, Hà Tĩnh…
Theo tính toán, cứ nhà nào ở đây có ao nuôi cá chép đỏ, Tết cũng kiếm ít nhất được 20-30 triệu đồng tiêu Tết, thậm chí nhiều gia đình còn thu được trên 50 triệu đồng từ nghề này.
Một số hình ảnh ở làng sản xuất "phương tiện" tiễn ông Công, ông Táo về trời được ghi lại ngày 26-1 (tức ngày 21 tháng Chạp âm lịch):
Từ ngày 19 tháng Chạp, người dân đã bắt đầu đưa máy hút nước ra ao để hút nước bắt cá
Những chú cá chép là phương tiện để ông Công, ông Táo về trời nhuộm đỏ ao
Sau khi ao được hút cạn nước, người dân sẽ dùng những chiếc vợt bằng lưới thu gom cá
Sau đó cho vào xô
rồi đổ vào những chiếc lưới đã quây sẵn, có nguồn nước sạch sẽ
Cá chép đỏ ở làng Tân Cổ rất được ưa chuộng, do cá đỏ đều, sống khỏe có thể vận chuyển đi xa mà không lo cá chết
Cá chép năm nay rẻ hơn năm 2018, với giá dao động từ 100.000-120.000 đồng/kg
Cá chép đang được người dân lựa chọn để đóng bao, vận chuyển đi địa phương khác tiêu thụ
Nghề nuôi cá chép đỏ ở làng nuôi cá lớn nhất xứ Thanh tuy không giàu có, nhưng cũng giúp người dân nơi đây luôn có 1 cái Tết vui vẻ, đầm ấm, vì cứ chuẩn bị thu hoạch cá chép là họ biết Tết đã cận kề.
Bình luận (0)