Chen nhau mua vàng
Ngày 2-2, tại TP HCM, khá nhiều người đến mua nữ trang, nhẫn vàng… với khoản tiền 2-4 triệu đồng, trong đó rất nhiều người đã trả tiền trước cho chủ tiệm và hẹn ngày Thần Tài đến nhận vàng.
Khách hàng chen nhau mua vàng trước ngày Thần Tài
Lúc 10 giờ ngày 2-2, tại trụ sở Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), một nhân viên bán hàng thông báo giá vàng thế giới đã lên tới 1.589 USD/ounce nên giá vàng miếng cũng leo lên 44,95 triệu đồng/lượng. Nhân viên này giải thích do vàng miếng Thần Tài loại 1 chỉ, vàng nhẫn SJC 1, 2 và 5 chỉ sản xuất từ vàng miếng SJC nên giá bán ngang với loại vàng này nhưng người mua phải trả thêm phí gia công từ 100.000- 150.000 đồng. Theo đó, vàng miếng Thần Tài có giá 4.595.000-4.605.000 đồng/chỉ, vàng nhẫn là 4.495.000 đồng/chỉ.
Trong khi đó, chủ tiệm vàng Kim Thành Nga (khu vực chợ Cầu, quận 12, TP HCM) cho rằng do giá thế giới và vàng miếng tăng nên giá của các sản phẩm vàng khác cũng tăng theo. Cụ thể, vàng nhẫn leo lên 4,5 triệu đồng/chỉ, vàng miếng có hình ông Thần Tài 4,7 triệu đồng/chỉ, vòng đeo tay các loại có gắn hình con chuột được đúc bằng vàng giá khoảng 3-4 triệu đồng/vòng...
Trưa cùng ngày, một số cửa hàng của Công ty Vàng Mi Hồng (quận Bình Thạnh, TP HCM) đã chật cứng khách mua. Nhiều người phải chờ mới có chỗ trống để chọn mua vàng miếng, nữ trang, vàng nhẫn... "Năm 2019, tôi tích lũy được 50 triệu đồng nên năm nay, dù chưa đến ngày Thần Tài vẫn quyết định mua 1 lượng vàng miếng SJC và 1 chỉ vàng nhẫn với hy vọng có nhiều may mắn trong năm mới" - một khách hàng nói với nhân viên Công ty Vàng Mi Hồng.
Tương tự, tiệm vàng Kim Thành (khu vực chợ Gò Vấp, TP HCM) có nhiều người mua vàng chen nhau chọn mua vàng miếng có hình Thần Tài (loại 1 chỉ) hoặc các vòng dây gắn hình tượng con chuột. Các sản phẩm này được chủ tiệm tính theo giá vàng miếng SJC cộng với vài trăm ngàn đồng phí gia công, chế tác.
Trao đổi với chúng tôi, nhân viên tiệm vàng Kim Thành dự báo mùng 10 tháng giêng phải có ít nhất 1.000 lượt người mua vàng. Song, do ngại tình trạng chen lấn mua vàng thường xảy ra vào ngày Thần Tài nên mới mùng 9, nhiều người đã đến tiệm chọn trước sản phẩm, thanh toán và hôm sau mới đến nhận vàng.
Kỳ vọng giá hợp lý
Nắm bắt nhu cầu của nhiều người trong ngày Thần Tài, các công ty lớn chuyên kinh doanh vàng tung ra hàng loạt sản phẩm vàng miếng có tên Phúc - Lộc - Thọ; Kim Tý, Thần Tài, nhẫn kim tiền, nhẫn Lộc - Phát - Tài 1 chỉ, 2 chỉ và 1 lượng. Giá bán các loại sản phẩm này đều được các công ty chào bán theo giá vàng miếng SJC cộng với tiền gia công khoảng 100.000 - 200.000 đồng.
Do sức mua thường rất lớn vào ngày Thần Tài nên nhiều người lo giá vàng miếng SJC có thể bị đẩy lên, kéo giá các sản phẩm vàng khác tăng theo. Theo giới kinh doanh, giá của một số sản phẩm vàng liên quan đến ngày Thần Tài tăng hay giảm đều căn cứ vào biến động của của giá vàng thế giới và giá vàng miếng SJC.
Thế nhưng, thị trường từng ghi nhận ngày Thần Tài của nhiều năm trước, giá vàng thế giới không tăng nhưng giá vàng SJC lại tăng vài trăm ngàn đồng/lượng. Lúc đó, giá vàng nữ trang và các loại sản phẩm vàng liên quan đến ngày Thần Tài tăng theo tương ứng. Đến hết ngày Thần Tài, sức mua giảm mạnh, giá vàng miếng SJC lại đi xuống khiến người mua vàng trong ngày Thần Tài bị thiệt thòi.
Đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhận định ngày Thần Tài là cơ hội cho giới kinh doanh vàng thu lợi nhuận vì nhu cầu của thị trường cao, từ đó giá vàng thường biến động không hợp lý.
Theo ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), đầu tháng 1-2020, giá vàng thế giới tăng mạnh do tình hình địa - chính trị khu vực Trung Đông căng thẳng. Nhưng đến nay, giá vàng trong và ngoài nước biến động không nhiều. Nhiều người tập trung mua vàng nhẫn và vàng nữ trang nên hy vọng trong ngày Thần Tài năm Canh Tý này, giá vàng sẽ tăng - giảm cùng chiều với giá vàng thế giới.
Bình luận (0)