Tỉ lệ cho vay/ tiền gửi ngoại tệ đã tăng từ 84,3% cuối năm ngoái lên đến 95,5% trong tháng 5-2014.
Đây là nhận định của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm. Theo đó, tính đến hết tháng 5-2015, tiền gửi bằng ngoại tệ giảm 5,5% trong khi cho vay bằng ngoại tệ lại tăng vọt 7% so với đầu năm. Lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng (NH) có xu hướng tăng từ đầu tháng 4, từ mức 0,3%/năm lên khoảng 0,4%/năm và dao động mạnh hơn.
Trái lại, tín dụng bằng tiền đồng vẫn tăng trưởng khá chậm. Đến cuối tháng 5 trong khi tiền gửi bằng VNĐ tăng 7,1% thì cho vay chỉ tăng 1,1% so với đầu năm. Tỉ lệ cho vay/tiền gửi vì vậy cũng giảm từ 82,4% vào cuối năm ngoái xuống còn 79% trong tháng 5 vừa qua.
Trong khi số liệu mới nhất được NH Nhà nước công bố cho thấy tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm tăng khoảng 2,3% thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu cả năm của hệ thống NH (12-14%).
Lãi suất cho vay bằng tiền đồng phổ biến từ 7-10%/năm, bằng USD chỉ từ 3-6%/năm. Lãi suất vay USD khá thấp được xem là nguyên nhân kích thích doanh nghiệp vay mượn loại ngoại tệ này. Điều này đang khiến thanh khoản ngoại tệ chịu áp lực nhất định.
Trước tình hình này, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia khuyến nghị cần tiếp tục đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, căn cứ vào diễn biến lạm phát để điều chỉnh mặt bằng lãi suất cho phù hợp, nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 12-14%/năm, nhằm đảm bảo vốn đầu tư cho nền kinh tế. “Cần tăng cường công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ thị trường để có phản ứng kịp thời và chuẩn bị các phương án dự phòng đối với các tình huống xảy ra” - cơ quan này đề xuất.
Theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% cho năm 2014, trong điều kiện lạm phát được kiểm soát tốt, trong 6 tháng cuối năm chính sách điều hành cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Việc điều hành giá các mặt hàng cơ bản cũng cần được xem xét trong điều kiện lạm phát còn dư địa. Ngoài ra, đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn nhà nước, góp phần đảm bảo mức tổng đầu tư toàn xã hội cho mục tiêu tăng trưởng, tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu và nợ đọng thuế.
Bình luận (0)