xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhức nhối hoàn thuế

Thanh Nhân - Đình Thi

Cơ quan thuế, tài chính ôm tiền hoàn thuế chẳng khác nào chiếm dụng vốn của doanh nghiệp mà không phải trả lãi hay chịu bất kỳ chế tài nào

Công ty CP Nhựa Bình Minh (BMP) cuối năm 2013 bị phạt đến 117 tỉ đồng do vi phạm hành chính về thuế như kê khai sai dẫn đến thiếu số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp. Khi đó, Công ty Nhựa Bình Minh đã nộp đơn kêu cứu khắp nơi vì cho rằng cơ quan thuế đã nhầm lẫn trong cách xác định thời gian hưởng ưu đãi thuế TNDN về cổ phần hóa DN nhà nước và niêm yết lần đầu giai đoạn 2004-2008.

“Trầy vi tróc vảy” vẫn không lấy được tiền

Tuy nhiên, theo yêu cầu của cơ quan thuế TP HCM, công ty phải nộp ngay hơn 70 tỉ đồng vào Kho bạc Nhà nước. Đến nay, công ty đã được “giải oan” vì không có lỗi, được miễn nộp khoản phạt còn lại nhưng số tiền hơn 70 tỉ đồng đã “ứng” vẫn chưa được cơ quan thuế trả lại.

Công tác hoàn thuế nhiêu khê là nỗi ám ảnh với nhiều doanh nghiệp. Trong ảnh: Làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
Công tác hoàn thuế nhiêu khê là nỗi ám ảnh với nhiều doanh nghiệp. Trong ảnh: Làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh

Bà Nguyễn Thị Kim Yến, phó tổng giám đốc công ty, cho biết đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp mà không được giải quyết thỏa đáng. “70 tỉ đồng đó nếu nằm ở công ty thì chúng tôi đã làm ra mấy trăm tỉ. Không những vậy, công ty còn mất cơ hội tham gia đấu thầu một số dự án vì nhà đầu tư cho rằng chúng tôi còn vướng mắc về thuế” - bà Yến bức xúc.

Trường hợp của Công ty Thép Khương Mai (quận 11, TP HCM) còn bi đát hơn, suốt 5 năm qua, tại các cuộc gặp với ngành thuế, lần nào ông Đinh Công Khương, giám đốc công ty, cũng kêu cứu để mong hoàn 7 tỉ đồng tiền thuế đã nộp trước đây. Ông Khương cho biết việc chậm hoàn thuế đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của công ty. “Chúng tôi không được hoàn thuế vì những lý do rất trời ơi. Lúc thì cơ quan thuế nói tồn kho nhiều, lúc thì nói hồ sơ khai phương tiện vận chuyển không đúng… yêu cầu bổ sung. Tiền nằm ở kho bạc không lấy về để quay vòng vốn được, DN phải đi vay tiền để hoạt động. Trước đây, chúng tôi vừa xuất khẩu vừa bán nội địa, hoàn thuế mệt mỏi quá nên từ năm 2012, ngưng xuất khẩu, chỉ bán nội địa. Lần này, nếu cơ quan thuế không giải quyết rốt ráo, chúng tôi sẽ kiện ra tòa” - ông Khương cho hay.

Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty Tư vấn thuế Sài Gòn, đánh giá việc hoàn thuế ngày càng khó khăn. Công ty ông nhận làm thủ tục hoàn thuế hơn 10 tỉ đồng cho một DN nhựa ở quận 6, TP HCM hơn 1 năm nay vẫn chưa đâu vào đâu. Công ty này xuất khẩu bằng cả 3 đường hàng không, đường thủy và đường bộ. Với đường bộ, ngành thuế yêu cầu DN phải kê khai phương tiện vận chuyển, bảng số xe… qua cửa khẩu và gửi thông tin yêu cầu hải quan kiểm tra, xác minh rồi mới cho hoàn thuế. Hải quan chưa trả lời nên cả năm rồi hồ sơ của DN còn nằm đó. Kể cả khi DN nhận được quyết định hoàn thuế rồi cũng phải “làm thủ tục” và chờ dài cổ mới lấy được tiền.

Công ty Tân Nhất Hương là một ví dụ. DN này bị “ngâm” hơn 20 tỉ đồng tiền hoàn thuế (Cục Thuế TP HCM đã ra quyết định hoàn thuế nhưng kho bạc không chi tiền) cả năm trời, phải vay ngân hàng để xoay xở làm ăn. Tại buổi đối thoại giữa DN với lãnh đạo Bộ Tài chính vào cuối năm 2015, bà Vũ Thị Hoài Sơn, giám đốc công ty này, đã tiến thẳng đến bàn của Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn để “đòi nợ”. Sau sự việc này, Tân Nhất Hương được hoàn 7 tỉ đồng nhưng số tiền còn lại không biết bao giờ mới hoàn đủ cho khổ chủ.

“Biết điều” mới lấy được tiền

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, đưa ra một loạt dẫn chứng việc hoàn thuế ngày càng nhiêu khê. Trước đây, DN có thuế GTGT âm liên tục 3 tháng trở lên là được hoàn thuế nhưng từ ngày 1-1-2014, phải âm 12 tháng liên tục mới được hoàn. Chưa hết, Bộ Tài chính còn có nhiều công văn yêu cầu các cục thuế tìm mọi cách kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, từ hoàn trước kiểm sau chuyển sang kiểm trước hoàn sau, thời hạn 40 ngày nhưng thực tế không mấy trường hợp xong được thủ tục hoàn thuế đúng thời hạn. Có quyết định hoàn rồi lại phải “biết điều” mới lấy được tiền.

“Bộ Tài chính nói không thiếu tiền hoàn thuế cho DN nhưng ngành thuế địa phương lại kêu không có tiền. Từ đó dẫn đến tiêu cực, DN phải chịu “sứt mẻ” lớn mới lấy được tiền. Có trường hợp DN phải chi đến 10% để được duyệt hoàn thuế. Điều không thỏa đáng khác là DN kê khai sai, nộp chậm bị phạt 0,05%/ngày (tương đương 18%/năm) nhưng cơ quan thuế lại được quyền chậm trễ, nợ tiền DN” - luật sư Xoa nêu.

Theo các DN, việc ngành tài chính “ngâm” tiền hoàn thuế chẳng khác nào chiếm dụng vốn của DN mà không phải trả lãi hay chịu bất kỳ chế tài gì. Trong khi đó, DN không được hoàn thuế đúng hạn, phải xoay xở vay ngân hàng hoặc vay tín dụng đen với lãi suất cao. Kết quả là lãi suất ăn vào lợi nhuận, DN “chết”, kéo theo hàng loạt hệ lụy khác. “Tiền hoàn thuế dùng để đầu tư, quay vòng làm ăn nên DN mong việc hoàn thuế được công khai, minh bạch, đúng thời hạn chứ không ai mong lấy lãi từ số tiền này. Việc này cũng không quá khó, chỉ cần cơ quan thuế công khai danh sách những DN đã được duyệt hoàn thuế, khi đó sẽ biết rõ ai được ký hoàn trước, ai được hoàn sau sẽ hạn chế được nhiều tiêu cực” - luật sư Trần Xoa nói.

Sẽ siết chặt hơn nữa!

Theo Cục Thuế TP HCM, năm 2015, tổng số hồ sơ được xét hoàn thuế là 2.268, Cục Thuế TP giải quyết hoàn thuế cho người nộp số tiền 10.023 tỉ đồng. Không tiết lộ số tiền còn “nợ” DN là bao nhiêu, bà Trần Thị Lệ Nga, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP, cho biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm hoàn thuế, trong đó có một phần lý do phụ thuộc vào quỹ hoàn thuế từ ngân sách nhà nước.

Cũng theo bà Nga, trong năm 2016, việc hoàn thuế sẽ được Cục Thuế TP siết chặt, nhiều trường hợp DN được đưa vào danh sách, đối tượng cần phải kiểm tra kỹ hồ sơ trước khi hoàn thuế vì thực tế diễn biến phức tạp, không ít DN bị phát hiện lợi dụng chính sách của nhà nước, có những thủ đoạn, hành vi gian lận mới để chiếm đoạt tiền ngân sách. Ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, cũng thừa nhận việc hoàn thuế cho DN đang gặp khó khăn, Bộ Tài chính đang cân đối quỹ hoàn thuế. “Bản thân tôi cũng chưa được thông tin cụ thể từ Bộ Tài chính, làm sao có thể trả lời bao giờ có tiền hoàn cho DN. Chúng tôi trực tiếp tiếp xúc với DN, phải năn nỉ DN thông cảm, chờ đợi chứ biết làm sao!” - ông Tâm phân trần.

Trừ dần vào tiền thuế Nhựa Bình Minh phải nộp

Trao đổi với chúng tôi về trường hợp Công ty Nhựa Bình Minh, bà Trần Thị Lệ Nga cho biết ban đầu DN này bị truy thu 79,4 tỉ đồng, phạt 45 tỉ đồng chậm nộp. Về sau, công ty được giảm khoản truy thu còn 52 tỉ đồng và bỏ khoản phạt 42 tỉ đồng. “Trong số 74,9 tỉ đồng Nhựa Bình Minh đã nộp trừ đi khoản truy thu 52 tỉ đồng, DN chỉ còn khoản chênh lệch 22 tỉ đồng. Số tiền nộp thừa này được giải quyết theo 2 cách: hoặc DN lập hồ sơ để cơ quan thuế hoàn lại số nộp thừa hoặc DN để số tiền này trừ dần vào số thuế phải nộp cho những năm tiếp theo.

“Vì Nhựa Bình Minh không có đề xuất gì nên cơ quan thuế sẽ dùng khoản nộp thừa đó trừ dần vào số thuế phải nộp sau này” - bà Nga nói.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo