Thuế đánh trên mặt hàng ô tô nhập khẩu, ân hạn thuế nhập khẩu và hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) hiện đang bị doanh nghiệp (DN) “kêu” nhiều nhất. Điều lạ là các DN càng kêu gào điều chỉnh quy định, Bộ Tài chính càng... im lặng!
Thuế nhập ô tô cũ: Cào bằng
Ngoài việc tăng thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc thêm 10% (Báo NLĐ đã thông tin), cũng trong đợt điều chỉnh mới nhất này, Bộ Tài chính còn quy định thuế tuyệt đối của mặt hàng xe nhập khẩu đã qua sử dụng có mức tăng trung bình 10%. Quy định này không thay đổi được sự bất cập của cách tính thuế lâu nay đối với mặt hàng này. Cụ thể là lấy dung tích xi-lanh (xe cũ nhập khẩu) làm căn cứ để áp các loại thuế cố định khác nhau. Không phân biệt đời xe và chất lượng xe, hễ cứ dung tích xi-lanh bằng nhau thì áp chung một thuế suất!
Từ thực tế này, các đơn vị nhập khẩu ô tô đặt hàng các dòng xe (cũ) cao cấp là chủ yếu, để hưởng lãi cao hơn; hạn chế thấp nhất việc nhập xe cũ. Như vậy, về lâu dài có thể góp phần giúp VN tránh nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ của các cường quốc công nghiệp. Còn hiện tại, những dòng xe cao cấp, đắt tiền chỉ phục vụ cho số ít người tiêu dùng có thu nhập rất cao; ngược lại đại bộ phận người dân bị tước đoạt cơ hội mua ô tô giá thấp - một quyền lợi đáng lý ra họ được hưởng.
Ân hạn thuế gây thất thu thuế!
Chính sách ân hạn thuế (chậm nộp) được ấn định trong Luật Thuế Xuất nhập khẩu. Theo đó, để giảm bớt khó khăn về vốn, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu của các DN, luật cho phép các DN nhập nguyên vật liệu để sản xuất hay sản xuất hàng xuất khẩu được chậm nộp thuế nhập khẩu (tối đa lên đến 275 ngày), thay vì phải nộp ngay trước khi nhận hàng. Đây là một chủ trương rất đúng đắn, khuyến khích DN đẩy mạnh xuất khẩu - một lĩnh vực thu ngoại tệ chủ lực của VN.
Tuy nhiên, do thiếu cơ chế phối hợp theo dõi giữa đơn vị cấp giấy phép kinh doanh - thuế - hải quan, chính sách này đã bị lợi dụng. Nhiều DN đã nhập nguyên vật liệu với giá trị lớn, sau đó tranh thủ thời gian ân hạn thuế bán sạch lượng hàng nhập rồi âm thầm giải tán DN hoặc chủ DN trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh. Đến nay, theo thống kê sơ bộ, riêng tại TPHCM, các cơ quan chức năng đã phát hiện 6.809 DN bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh, khoảng 7.000 DN bị nghi vấn là DN “ma”. Tại Hà Nội, phát hiện 6.710 DN bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh. Tổng thiệt hại do các DN “ma” này gây ra, chủ yếu là trốn thuế nhập khẩu và mua bán hóa đơn trái phép, ước hơn 500 tỉ đồng.
DN chân chính lãnh đủ
Ba năm qua, cơ quan điều tra mới phanh phui, đề nghị truy tố được khoảng hơn 10 vụ DN “ma”, hơn 90 đối tượng bị khởi tố bị can, thu hồi 62 tỉ đồng - một kết quả còn khiêm tốn so với thực tế. Cả nước hiện có hơn 300.000 DN đăng ký hoạt động và số lượng này tăng lên mỗi ngày- đồng nghĩa với số DN “ma” ngày càng nhiều.
Không chỉ gây thiệt hại về ngân sách, mặt trái của chính sách ân hạn thuế đã gây hậu quả rất lớn đối với những DN làm ăn chân chính. Đơn cử như tại TPHCM, vào tuần trước, cơ quan pháp luật đã đưa ra xét xử Q.B.H, giám đốc của Công ty T.G.M và Công ty C.A về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buộc truy nộp 5,7 tỉ đồng tiền hoàn thuế GTGT. Chủ hai DN này còn câu kết, lập ra gần 40 DN “ma” khác để mua bán hóa đơn GTGT trái phép. Trong số này, 23 DN bị xử lý hình sự, đại diện 16 DN khác đã bỏ trốn. Không chỉ vậy, còn hàng loạt DN chân chính khác đang phải dở khóc dở mếu vì “dính” hóa đơn đầu vào (khống) của nhóm DN bất chính này. Theo quy định hiện hành (Công văn 4215/TCT-PCCS của Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính về việc xử lý vi phạm đối với các hành vi mua - bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; ban hành ngày 18-11-2005), các DN “dính” hóa đơn “ma” sẽ bị cắt khấu trừ chi phí đầu vào và phạt ẩn lậu thuế rất nặng, có thể dẫn đến phá sản.
Bình luận (0)