Công ty Chứng khoán SSI vừa khuyến nghị khả quan đối với 2 cổ phiếu thuộc nhóm phân bón và đầu tư công là DCM và HHV.
Đối với cổ phiếu DCM của Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau, giá mục tiêu được SSI đưa ra là 36.600 đồng. Giá hiện tại của DCM là 33.550 đồng/cổ phiếu.
Cụ thể, doanh thu DCM tăng trở lại theo xu hướng giá ure. Giá ure đã tạo đáy trong tháng 6 và dự kiến sẽ phục hồi dần vào các tháng cao điểm cuối năm. Giá ure phục hồi mạnh nhất ở thị trường Ai Cập (tăng 35% từ đáy), theo sau giá ure tại Biển Đen (+27% từ đáy) và Trung Quốc (+7% từ đáy). Giá nông sản có xu hướng tăng trở lại, thúc đẩy tăng nhu cầu và giá phân bón.
Giá ure tại Việt Nam chỉ mới phục hồi 3% từ đáy trong tháng 7, chậm hơn các thị trường quốc tế. Do đó, dự báo giá ure tại Việt Nam sẽ dần bắt kịp đà phục hồi của thế giới. Đồng thời, chi phí có khả năng giảm khi trong 6 tháng đầu năm, DCM tạm tính giá khí đầu vào ở mức cao.
Thị trường chứng khoán tiếp tục tăng điểm, giúp nhiều cổ phiếu vượt đỉnh 1 năm. Ảnh: Ảnh: Hoàng Triều
Những yếu tố trên sẽ giúp lợi nhuận của DCM phục hồi trong 6 tháng cuối năm 2023 và năm 2024. SSI Research dự báo lợi nhuận sau thuế của công ty này có thể đạt 1.200 tỉ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng sẽ tăng lên 2.460 tỉ đồng trong năm 2024, tăng 106% so với cùng kỳ.
Một cổ phiếu khác trong lĩnh vực đầu tư công được Công ty Chứng khoán SSI khuyến nghị tích cực là HHV của Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả. HHV đang được giao dịch ở mức 16.100 đồng; giá mục tiêu là 18.200 đồng/cổ phiếu.
HHV ghi nhận lợi nhuận cao kỷ lục vào quý II/2023, nâng lũy kế 6 tháng đầu năm lợi nhuận sau thuế đạt 192 tỉ đồng, tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu hoạt động xây lắp dự kiến đạt 990 tỉ đồng trong năm 2023 và tiếp tục tăng lên mức 1.431 tỉ đồng trong năm 2024 - tăng mạnh so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp hoạt động xây dựng dự kiến đạt 9-10%.
Hoạt động thu phí BOT đem lại nguồn thu ổn định. 3 dự án BOT của HHV đem lại doanh thu trung bình mỗi năm 1.400 tỉ đồng. Biên lợi nhuận gộp hoạt động thu phí BOT đạt 63-64%. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh đạt mức dương trong giai đoạn 2021- 2022 nhờ vào nguồn thu ổn định BOT.
Đổi lại, chi phí lãi vay giảm khi dòng tiền chủ yếu là nợ vay dài hạn. Theo ban quản lý công ty, trong năm nay, lãi suất vay đã giảm từ mức trung bình 9,5% đầu năm xuống 9% vào quý II, giúp giảm chi phí lãi vay gần 100 tỉ đồng.
Ở lĩnh vực dầu khí, Công ty Chứng khoán VNDIRECT khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu PVS của Tổng Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam. PVS đang được giao dịch ở mức 35.000 đồng/cổ phiếu.
Lợi nhuận ròng của PVS được kỳ vọng sẽ tăng trưởng kép 17,8% trong năm 2023-2025, chủ yếu nhờ mảng cơ khí và xây lắp (M&C) tăng mạnh. Hiện PVS tham gia nhiều hợp đồng điện gió ngoài khơi trong mảng M&C trên thị trường quốc tế, như: điện gió Hải Long và Changhua tại Đài Loan - Trung Quốc hay điện gió Baltica tại Ba Lan. PVS sẽ là doanh nghiệp hưởng lợi chính từ việc hoạt động thăm dò và khai thác (E&P) tại Việt Nam - dự kiến sẽ sôi động hơn kể từ năm 2024 trở đi với nhiều dự án trọng điểm như Lạc Đà Vàng và Lô B - Ô Môn.
Do đó, VNDIRECT đã đưa ra giá mục tiêu PVS lên 40.300 đồng/cổ phiếu. Động lực tăng giá tiềm năng là giá dầu cao hơn và lượng đơn đặt hàng mảng M&C cao hơn kỳ vọng. Rủi ro giảm giá bao gồm giá dầu giảm mạnh và sự chậm trễ hơn nữa trong việc trao thầu các dự án dầu khí lớn.
Bình luận (0)