xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những dấu ấn kinh tế năm Ất Mùi

Viết Vinh tổng hợp

(NLĐO) - Năm Ất Mùi 2015, bên cạnh kinh tế vĩ mô có những chuyển biến tích cực, dấu ấn lớn nhất của Việt Nam chính là việc thông qua hàng loạt hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)

1. Thông qua hàng loạt hiệp định thương mại tự do

Ngày 5-5-2015, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc chính thức được ký kết tại Hà Nội và có hiệu lực từ ngày 20-12-2015. Theo Hiệp định này, Hàn Quốc sẽ loại bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 95% hàng hóa từ Việt Nam theo lộ trình, trong khi 90% hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc sẽ được gỡ bỏ thuế trong 15 năm, kể từ khi hiệp định này có hiệu lực.

Ngày 29-5-2015, tại Cộng hòa Kazakhstan, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu được ký kết. Theo đó, hai bên dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương khoảng hơn 90% kim ngạch thương mại song phương.

Ngày 27-6-2015, Hiệp định Thương mại biên giới giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào được ký kết. Đây là cơ sở pháp lý, tạo cơ hội tăng cường hợp tác 2 bên trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và dịch vụ hỗ trợ thương mại tại khu vực biên giới...

 

Xếp dỡ hàng hóa tại cảng Hải Phòng. Ảnh TL
Xếp dỡ hàng hóa tại cảng Hải Phòng. Ảnh TL

 

Bên cạnh đó, ngày 4-8-2015, sau gần 3 năm, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã công bố việc kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định thương mại tự do. Theo đó, hai bên cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế, mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay.

Đáng kể nhất là việc Bộ trưởng của 12 nước tham gia TPP, trong đó có Việt Nam đã đạt được đồng thuận về tất cả các vấn đề và chính thức tuyên bố kết thúc quá trình 5 năm đàm phán căng thẳng vào ngày vào ngày 5-10-2015. Đến ngày 4-2-2016, TPP đã chính thức được các nước ký kết tại New Zealand và sẽ có hiệu lực từ năm 2018. TPP chiếm đến 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, các nước thành viên đều là những thị trường tiêu dùng lớn của thế giới.

Sự kiện quan trọng không kém là văn kiện hình thành Cộng đồng ASEAN, trong đó Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là 1 trong 3 trụ cột, đã được lãnh đạo 10 nước ASEAN ký kết và chính thức có hiệu lực vào ngày 31-12-2015. Khi AEC ra đời, thuế nhập khẩu sản phẩm và dịch vụ từ các nước thành viên sẽ giảm về 0%, tất cả các lĩnh vực kinh tế sẽ được mở cửa tiếp nhận đầu tư và doanh nghiệp một nước thành viên làm ăn ở các nước AEC khác sẽ được đối xử bình đẳng với doanh nghiệp sở tại.

2. CPI thấp nhất và GDP cao nhất

Trong các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2015, hai điểm sáng nhất là tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức thấp chưa từng có trong 14 năm qua. Ngược lại, tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt mức cao nhất trong 5 năm qua.

Cụ thể, CPI bình quân năm 2015 chỉ nhích 0,63% so với năm 2014, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5% của Quốc hội đặt ra. Nguyên nhân chính là do giá nguyên vật liệu trên thị trường thế giới sụt giảm, đặc biệt là giá dầu. Bình quân giá dầu Brent năm 2015 giảm khoảng 45,6% so với năm 2014, trong khi giá xăng dầu trong nước chỉ giảm 24,77% so với năm trước đã góp phần giảm CPI chung 0,9%.

Khác với những năm trước, dù CPI thấp kỷ lục nhưng GDP vẫn tăng 6,68%, ghi nhận bước tiến mạnh mẽ nhất trong 5 năm qua.

3. Việt Nam thu hút gần 23 tỉ USD vốn FDI

Kết thúc năm 2015, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết mới và vốn thực hiện của khối doanh nghiệp khu vực này đều tăng so với năm ngoái. Theo Tổng cục Thống kê, từ đầu năm 2015 đến ngày 15-12-2015, nguồn vốn FDI cam kết vào Việt Nam đạt 22,76 tỉ USD, tăng 12,5% so với năm ngoái.

4. Nợ công sắp chạm ngưỡng

Kinh tế vĩ mô dù có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn những lo ngại khác về nợ công, ngân sách. Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết đến 31-12-2015, mức dư nợ công dự kiến khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 48,9% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 41,5% GDP, trong phạm vi quy định. Nhìn chung, dư nợ công vẫn ở dưới mức trần cho phép 65% nhưng điểm đáng lo ngại là nợ công đã liên tục tăng trong những năm qua.

Bộ Tài chính nhận định nguyên nhân nợ công tăng cao là do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu và nền kinh tế nước ta tăng trưởng chậm lại. Giá dầu thô thế giới giảm mạnh trong điều kiện miễn, giảm thuế để nuôi dưỡng nguồn thu, tiến hành tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng. Mặt khác, có nguyên nhân là do cắt giảm thuế quan theo lộ trình khi gia nhập các hiệp định thương mại quốc tế làm giảm thu ngân sách.

5. Mua lại 3 ngân hàng không đồng

Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tiến hành mua lại 0 đồng đối với 3 ngân hàng yếu kém khác là Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu (GPBank); đồng thời giao lại cho các ngân hàng thương mại nhà nước chi phối vốn, tham gia quản trị điều hành. Quá trình tái cơ cấu các ngân hàng này đang diễn ra khá thuận buồm xuôi gió.

Mặc dù 2015 là năm cuối thực hiện Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015 nhưng giới phân tích cho rằng còn không ít tồn đọng cần được xử lý trong nhiều năm tới. Đó là tình trạng sở hữu chéo đã được ngăn lại đáng kể nhưng chưa xử lý triệt để; số lượng ngân hàng thương mại còn nhiều và trong 3 năm tới cần được thu lại 15 đơn vị như hé lộ của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại hội nghị tổng kết hoạt động toàn ngành năm 2015.

Thống kê sau gần 4 năm thực hiện đề án, toàn hệ thống ngân hàng đã giảm 19 tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó có 9/42 thương hiệu ngân hàng đã “biến mất” khỏi hệ thống do quá trình tái cơ cấu.

6. Thị trường bất động sản ấm dần lên

Bộ Xây dựng nhận định thị trường bất động sản năm 2015 phục hồi tích cực, lượng tồn kho giảm mạnh, tốc độ giải ngân gói 30.000 tỉ đồng tăng mạnh, giá chào bán nhà ở một số dự án có hạ tầng tốt tăng nhẹ từ 2-5% so với cùng kỳ năm 2014. Tính đến ngày 20-12-2015, tổng giá trị tồn kho bất động sản giảm còn khoảng 50.889 tỉ đồng (so với Quý I/2013 giảm hơn 77.000 tỉ đồng, tương đương giảm 60,4%); so với tháng 12-2014 giảm hơn 54.000 tỉ đồng (giảm 42,3%).

 

Nhiều doanh nghiệp bất động sản mở bán trong năm 2015
Nhiều doanh nghiệp bất động sản mở bán trong năm 2015

 

Gói hỗ trợ tín dụng bất động sản 30.000 tỉ đồng sau gần 3 năm triển khai đã cam kết cho vay gần 27.000 tỉ đồng (đạt 90%) và đã giải ngân hơn 17.000 tỉ đồng (đạt 59%).

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, cùng với gói tín dụng 30.000 tỉ đồng, trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã đề xuất một nhóm giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, hoàn thiện cơ chế, chính sách, rà soát phân loại các dự án bất động sản trên phạm vi cả nước, thực hiện chuyển đổi nhiều dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại. Nhờ đó, thị trường bất động sản đã phục hồi tích cực.

7. Áp lực mạnh lên tỉ giá

Tính đến hết năm 2015, tỉ giá USD/VNĐ đã tăng 5% so với đầu năm, cùng với đó, biên độ tỉ giá được nới lên -3% thay vì -1% như trước. Bên cạnh điều chỉnh tỉ giá, để ổn định thị trường và chống tình trạng đô la hóa, lần đầu tiên trong lịch sử, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định đưa lãi suất tiền gửi USD của doanh nghiệp và cá nhân đều được đưa về 0%/năm.

 

Tỉ giá chịu áp lực lớn trong năm 2015
Tỉ giá chịu áp lực lớn trong năm 2015

 

Ngoài ra, đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên áp dụng cơ chế điều hành tỉ giá tăng giảm hằng ngày (tỉ giá trung tâm), khiến áp lực tỉ giá trên thị trường đã dần hạ nhiệt bất chấp việc Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc liên tục giảm giá và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần 10 năm qua. 1 tháng sau khi áp dụng tỉ giá trung tâm, giá USD tại các ngân hàng thương mại đã giảm 250 - 270 đồng/USD, tương đương giảm 1,1% so với cuối năm 2015, về mức thấp nhất trong 3 tháng qua.

8. Giá xăng được điều chỉnh 18 lần

Tác động từ việc giá xăng dầu thế giới liên tục giảm, Liên Bộ Tài Chính - Công Thương cũng chủ động điều chỉnh giảm mạnh giá xăng dầu trong nước. Thống kê trong năm 2015, giá xăng đã trải qua 18 lần điều chỉnh, trong đó có 12 lần giảm. So với cuối năm 2014, giá bán lẻ xăng trong nước cuối năm 2015 rẻ hơn gần 1.500 đồng/lít. Cụ thể, lần điều chỉnh cuối cùng vào ngày 18-12, giá bán lẻ xăng RON 92 và xăng E5 giảm 391 đồng/lít xăng RON 92 và xăng E5, xuống còn lần lượt tối đa 16.405 đồng/lít và 15.910 đồng/lít.

9. Người Việt ồ ạt sắm ô tô

Năm 2015 ghi nhận một năm "bùng nổ" của thị trường ô tô Việt Nam với mức tiêu thụ kỷ lục đạt 244.914 xe; tăng 55% so với năm 2014. Trong đó, ô tô du lịch tăng 44%; xe thương mại tăng 74% và xe chuyên dụng tăng 105% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả ngoài dự báo ban đầu của các hãng xe khi ngay cả Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô trong nước (VAMA) cũng chỉ dự báo ở mức 200.000 xe và sau đó nâng lên khoảng 210.000 xe.

Tiêu thụ ô tô đạt kỷ lục trong năm 2015. Ảnh TL
Tiêu thụ ô tô đạt kỷ lục trong năm 2015. Ảnh TL

Một điểm đáng chú ý, theo báo cáo của VAMA, là ô tô nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) có mức tăng trưởng cao hơn xe lắp ráp trong nước; xe nhập khẩu tiêu thụ trong năm qua là gần 71.900 chiếc, tăng 74% so với năm 2014, trong khi xe lắp ráp trong nước bán được hơn 173.000 chiếc nhưng chỉ tăng 48% so với năm trước đó.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo