Tour lặn biển ngắm san hô Lý Sơn hay Lý Sơn Bungalow Hostel… là những thương hiệu làm du lịch mới đang thu hút sự chú ý của rất nhiều du khách đến Lý Sơn hôm nay. Chủ nhân của những thương hiệu ấy có độ tuổi rất trẻ và họ chính là những người con sinh ra và lớn lên trên chính quê hương mình.
Người "kéo" du khách đến với quê hương
Chúng tôi gặp Đặng Văn Sâm giữa lúc Sâm đang trang trí, sơn vẽ lại những căn hộ đầy màu sắc vừa được xây dựng xong cho du khách thuê ở homestay ở đảo Bé - Lý Sơn. "Cận Tết, rất nhiều du khách đến đây nhưng không có nơi ở nên phải tranh thủ "chạy đua" với thời gian làm cho hoàn thiện, cho khách thuê", Sâm cho biết.
Đặng Văn Sâm (ngoài cùng bên phải) tạo ấn tượng mạnh với du khách vì mô hình nghỉ trọ gần gũi, bình dị.
Tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh, chàng trai 26 tuổi Đặng Văn Sâm tự chọn cho mình con đường đi lắm thú vị nhưng cũng đầy chông gai - trở về quê hương đảo Bé để làm du lịch. Hình thức làm du lịch ở đây cũng "khác người" khi chọn cho mình cách làm homestay chẳng khác nào một bức tranh muôn màu giữa biển.
Nói về cách làm của mình, Sâm thổ lộ hiện nay ở Lý Sơn có rất nhiều hộ gia đình làm homestay nhưng đa phần chưa có "điểm nhấn" để du khách thích thú. Chính từ hạn chế này nên Sâm nảy ra ý tưởng tô điểm, trang trí cho những ngôi nhà homestay của mình thêm thân thiệt, gần gủi không gian biển, không gian cỏ cây hoa lá xung quanh.
Thật vậy, trong số hơn 100 hộ gia đình kinh doanh hình thức homestay ở Lý Sơn nhưng chỉ có duy nhất Lý Sơn Bungalow hostel của Sâm để lại ấn tượng khác biệt trong lòng du khách. Giữa không gian xanh hoang dã của đảo Bé và rộng lớn bốn bề của đại dương, nổi bật lên ngôi nhà sàn homestay nhiều màu sắc, lạ lẫm của Đặng Văn Sâm. Đó có thể là ý tưởng từ ngôi nhà bungalow kiểu Ấn Độ mà Sâm đã thấy khi đi du lịch Sa Pa, đảo Cát Bà, Sâm tự thiết kế, hoàn thành nhà sàn homestay mang tên Bungalow. Hay cũng có thể là những ngôi nhà sàn kểu đồng bào Tây Nguyên, thân thiện giữa thiên nhiên hoang dã với đủ loại màu sắc.
Không những làm nhà homestay cho khách lưu trú, Sâm còn tự mình dẫn khách đi trải nghiệm cuộc sống bình dị ở đảo như câu cá, đánh lưới hay trồng và thu hoạch hành, tỏi… Vì thế mà khách đến với Bungalow khi trở về đều hết lời khen ngợi anh chủ trọ Đặng Văn Sâm nhiệt tình, dễ mến.
Nhà trọ du lịch Lý Sơn Bungalow hostel rực rỡ của Đặng Văn Sâm.
"Từ nhỏ lớn lên ở vùng quê nghèo này tôi đã thấm thía nỗi cực khổ, nhọc nhằn của cuộc sống. Nhưng cạnh nỗi nhọc nhằn đó, tôi ý thức được tiềm năng phát triển du lịch quê hương nên khi học xong, tôi bắt tay làm liền. Mình có vốn ít thì mình làm vừa đủ. Quan trọng là cách thức mình chọn để tiếp cận du lịch phải mới, sắc màu riêng. Ở đất đảo thì du lịch gắn với thiên nhiên, trải nghiệm hoang dã, trải nghiệm văn hóa bản địa sẽ giữ chân nhiều khách du lịch", Sâm nói.
Vững vàng những thương hiệu trẻ
Cũng góp phần tạo nên hình ảnh một Lý Sơn xanh, chàng trai đất đảo Lê Văn Thành thành lập trung tâm lặn khám phá núi lửa Lý Sơn. Hiện Thành đang quản lý, điều hành nhóm lặn chuyên nghiệp gồm 5 thành viên tuổi đều ngoài 20. Họ có nhiệm vụ tổ chức các tour lặn biển ngắm vòm đá dung nham núi lửa, san hô ở khu vực quanh đảo Bé với độ sâu 5-10 m. Nhiệt tình, chuyên nghiệp và am hiểu từng góc đá trong lòng biển quê hương đã giúp Thành cùng nhóm lặn phát triển không ngừng loại hình kinh doanh du lịch mới lạ.
Để làm nên thương hiệu cho tour lặn biển, Lê Văn Thành đã cất công nhiều tháng trời theo chân các chuyên gia khảo cổ để giải mã những bí ẩn của ngọn núi lửa triệu năm thầm lặng dưới đáy biển. Cơ hội ấy đã khiến chàng trai trẻ quyết tâm theo đuổi giấc mơ từ thuở bé của mình. Đó là yêu biển, gắn bó với biển và lập nghiệp cũng từ biển.
Tour lặn biển ngắm san hô, núi lửa rất hút khách của nhóm lặn Lê Văn Thành. Ảnh: NVCC
Thành chia sẻ quan điểm làm kinh tế của bản thân: "Lặn ngắm núi lửa trong lòng biển khá mới mẻ và tiềm năng thu hút khách rất lớn. Đây là cách em làm du lịch để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường biển. Mình giữ biển, giữ được hệ sinh thái biển thì mới có thể khai thác, đưa du khách tham quan, lặn ngắm lòng biển đẹp. Nhóm tụi em liên kết với chính quyền địa phương, chia sẻ với người dân để cùng nhau bảo tồn, khai thác biển phát triển du lịch".
Ngoài Lê Văn Thành, Đặng Văn Sâm, đất đảo hùng binh còn có nhiều người trẻ đang ấp ủ những thương hiệu như VinaRongbien hay Vua tỏi... Tất cả đã và đang xây dựng sự nghiệp ngay trên chính quê hương bằng phương thức hiện đại kết hợp truyền thống, gắn với kiến thức, tư duy mới của mình. Dựa trên tiêu chí bảo vệ môi trường, xây dựng thương hiệu và tạo ra những sản phẩm sạch, chuẩn quốc tế, họ đang góp phần nâng hình ảnh đất đảo hùng binh lên một tầm cao mới- một Lý Sơn thân thiện và phát triển bền vững.
Bình luận (0)