xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nín thở chờ... giá điện tăng

Phương Nhung

Giá điện có thể tăng đến 10% trong tháng 3 này, ảnh hưởng không nhỏ đến người tiêu dùng và nhiều ngành sản xuất

Theo dõi diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu trong thời gian gần đây, dễ dàng nhận thấy một số mặt hàng đang được kìm giá một cách triệt để. Nhờ đó, CPI tháng 2 giảm 0,05% so với tháng trước và giảm 0,25% so với tháng 12-2014. Trong đó, nhóm giao thông giảm tới 4,41% nhờ ổn định giá xăng, dầu.

Vẫn lý do cũ

Với xăng dầu, mặt hàng này đã có cơ hội để tăng giá trong 2 kỳ điều hành gần đây do giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới có dấu hiệu nhích lên. Đặc biệt, ngày 24-2 vừa qua, mức chênh lệch giữa giá bán lẻ hiện hành với giá cơ sở dựa theo diễn biến giá xăng dầu thế giới không hề nhỏ, từ 1.900-2.500 đồng/lít mỗi loại. Với mức chênh lệch này, Bộ Công Thương hoàn toàn có thể đưa ra quyết định tăng giá xăng hoặc ít nhất là tăng giá một phần và chỉ dùng quỹ bình ổn một phần như quy định cho phép. Tuy nhiên, giá mặt hàng này tiếp tục được giữ nguyên nhờ “nương” vào công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với mức xả cực lớn, lên đến 2.448 đồng/lít xăng các loại.

Ngành điện tiếp tục đòi tăng giá trong khi giá nhiều mặt hàng thiết yếu đang bình ổnẢnh: TẤN THẠNH

Ngành điện tiếp tục đòi tăng giá trong khi giá nhiều mặt hàng thiết yếu đang bình ổn Ảnh: TẤN THẠNH

Trong khi đó, đại diện Bộ Công Thương trong nhiều phát ngôn trực tiếp hay gián tiếp đều nhấn mạnh thời điểm hiện tại đã hội tụ đủ điều kiện để điều chỉnh giá điện. Các lý do được viện dẫn như chi phí sản xuất tăng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ nên không có tiền đối ứng vay vốn đề đầu tư, giá bán điện chưa thu hút nhà đầu tư… Bởi vậy, đây là cơ hội để “nhà đèn” có thể tăng giá nhằm bù khoản lỗ lũy kế 16.800 tỉ đồng được công bố trước đó. “Tăng giá điện là đương nhiên, bắt buộc phải tăng và mức tăng 10% không phải quá lớn nhằm giúp ngành điện có thể đầu tư phát triển” - ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nêu quan điểm.

Ảnh hưởng cả nền kinh tế

Trái ngược với nhiều phát ngôn cho rằng tăng giá điện sẽ tốt cho cả nền kinh tế bởi hiệu quả từ thu hút đầu tư phát triển nguồn điện là rất hấp dẫn thì tính toán của các cơ quan liên quan đều cho rằng tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và người tiêu dùng. Đơn cử, theo Tổng cục Thống kê, nếu giá điện năm nay tăng 9,5% (thấp hơn 0,5% so với mức đề xuất cao nhất là 10%) thì giá thành sản xuất đã tăng lên 0,55%, đồng thời làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế là 0,45%.

Thực tế, nếu mức tăng giá điện 10% được thông qua, giá bán lẻ điện bình quân sẽ tăng khoảng 150 đồng/KWh. Như vậy, mỗi hộ dân sử dụng khoảng 100 KWh/tháng thì chi phí tăng thêm là khoảng 15.000 đồng tiền điện và mức chi trả sẽ tăng lên theo cách tính giá của từng bậc thang. Tuy nhiên, thực tế áp lực tăng giá điện đối với người tiêu dùng không chỉ đến từ khoản chi phí trực tiếp dành cho sử dụng điện sinh hoạt mà hàng loạt dịch vụ, hàng hóa khác sẽ có cớ tăng theo.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết trong nguyên liệu chế biến chủ yếu, giá điện chiếm 10%-20% nên giá điện tăng sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp (DN). Để tồn tại khi giá điện tăng, DN không giảm được chi phí thì đồng thời với tăng giá thành, giảm năng lực cạnh tranh.

Với ngành thép, giá điện tăng sẽ khiến nhiều DN có nguy cơ đổ vỡ. Theo ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, trong tổng công suất 10 triệu tấn thép mỗi năm thì có 70%-80% phôi thép được sản xuất bằng điện. Theo tính toán, 1 tấn phôi được sản xuất ra thì tốn 400-500 KWh điện nếu sử dụng bằng công nghệ hồ quang và khoảng 600 KWh điện nếu sử dụng bằng công nghệ cảm ứng. Như vậy, nếu giá điện tăng ở mức 10% thì sẽ phải tốn thêm 40-60 KWh điện để sản xuất ra một tấn phôi thép.

“Tăng giá điện là nguy cơ lớn đối với ngành thép. Giá phôi thép thế giới, đặc biệt là thị trường Nhật và Trung Quốc, đang rất thấp. Chưa tăng giá điện thì DN thép trong nước đã chết rồi. Công suất làm ra 10 triệu tấn mà tiêu thụ nội địa chỉ được 6 triệu tấn. Theo phán đoán của tôi, chưa kể đến những lò sản xuất bằng công nghệ thấp, ngay cả các lò sử dụng công nghệ ở mức trung bình cũng sẽ chết” - ông Cường nhận định.

 

Cần kiểm soát chi phí sản xuất điện

Tại hội thảo “Báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV và năm 2014” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức mới đây, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho rằng: “Vấn đề không phải tăng giá bao nhiêu mà là cách thức tăng giá. Bộ Công Thương bảo vệ đề xuất tăng giá điện của EVN, đồng ý tăng giá điện để bù lỗ là bắt người tiêu dùng phải gánh chịu lợi thế độc quyền của EVN”. Theo ông Cung, cách thức hợp lý trước mắt là đánh giá, kiểm soát chi phí sản xuất điện, tham vấn ý kiến của các bên liên quan qua đó kiểm soát giá điện, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng…

 

Góc nhìn

“Con khóc nên mẹ cho bú”

Tăng giá điện là vấn đề nhạy cảm bởi nó ảnh hưởng đến từng hộ gia đình và toàn bộ nền kinh tế.

Có tăng hay không, tăng vào thời điểm nào không còn đáng lo ngại, điều quan trọng là giá điện phải được minh bạch.

Công khai trong cách tính giá điện đã được đề cập cách đây không dưới 10 năm nhưng nay nó vẫn trong vòng “bí mật”. Vì thế, việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vin cớ “kinh doanh lỗ, chi phí đầu vào tăng nên phải tăng giá điện” là khó thuyết phục. Nên nhớ, khi EVN vẫn độc quyền trong khâu truyền tải và phân phối điện thì các khoản chi phí do quản lý yếu kém, hao hụt, lương, thưởng “khủng”…, người tiêu dùng vẫn phải cõng vào giá điện.

Quan trọng hơn, 2015 được xem là năm bản lề của hội nhập. Cộng đồng doanh nghiệp đang rất cần sự tiếp sức từ nhiều phía để tăng chất lượng, hạ giá thành sản phẩm nhằm nâng sức cạnh tranh. Nếu giá điện tăng tới gần 10%, doanh nghiệp đang khó khăn càng khó khăn hơn. Còn người dân buộc phải thắt chặt chi tiêu để san sẻ tiền điện.

Vì sao EVN không đề xuất với Bộ Công Thương tăng giá điện vừa phải, theo lộ trình để tránh gây “sốc” và tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp?

Thiết nghĩ, trước khi quyết định cho tăng giá điện, Bộ Công Thương nên buộc EVN chứng minh cho được (và phải công khai) chi phí đầu vào tăng tương ứng với tỉ lệ đề xuất, chứ không thể tăng theo kiểu “con khóc nên mẹ cho bú”.

Quốc Hy

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo