Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội về nợ công, cho thấy xu hướng gia tăng nợ công vẫn tiếp tục diễn ra trong các năm tới.
Nhiều dự án nợ quá hạn
Trong cơ cấu nợ công, các khoản nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm khoảng 78% (chủ yếu là phát hành trái phiếu chính phủ và vay ODA). Các khoản vay nước ngoài của Chính phủ chủ yếu vay lãi suất rất ưu đãi (ODA), điển hình là khoản vay của Ngân hàng Thế giới (WB) có thời hạn 40 năm, trong đó có 10 năm ân hạn, mức lãi suất 0,75%/năm. Khoản vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có thời hạn 30 năm, 10 năm ân hạn, lãi suất 1%/năm, các khoản vay của Nhật Bản có thời hạn 30 năm, 10 năm ân hạn và mức lãi suất khoảng từ 1%-2%/năm.
68% dư nợ vốn vay nước ngoài của Chính phủ được đưa vào cân đối ngân sách, 32% cho vay lại các dự án đầu tư có khả năng thu hồi vốn. Cũng tính đến ngày cuối cùng của năm trước, tổng trị giá vay nước ngoài của Chính phủ đã giải ngân để cho vay lại tương đương 12,6 tỉ USD. Dư nợ các dự án cho vay lại của Chính phủ tương đương 10,3 tỉ USD, bằng 8,5% GDP, tập trung vào điện, dầu khí, công nghiệp tàu thủy, cấp nước, nông nghiệp, đường cao tốc, hàng không, cảng biển, công nghiệp, xi măng, phát triển hạ tầng đô thị…
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy một vấn đề đáng lo ngại là trong số 580 dự án cho vay lại, có đến 55 dự án có nợ quá hạn với số dư nợ gốc quá hạn chiếm 0,7% tổng dư nợ cho vay lại. Có đến 5/16 dự án xi măng và 2/4 dự án ngành giấy gặp khó khăn trong việc trả nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh.
Hạn chế bảo lãnh vay trong nước
Theo định hướng của Chính phủ, nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) đến năm 2015 không quá 65% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ không quá 50% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Để quản lý nợ công bảo đảm an toàn và bền vững, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc xếp hạng tín nhiệm quốc gia, thực hiện trả nợ đầy đủ, đúng hạn, không để phát sinh nợ quá hạn; huy động nguồn vốn vay phù hợp với tiến độ giải ngân; tăng cường giám sát, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật đối với các đơn vị sử dụng vốn vay, theo dõi chặt chẽ khả năng trả nợ của từng dự án đầu tư, từng doanh nghiệp...
Chính phủ cũng cho biết sẽ chỉ xem xét cấp bảo lãnh vay trong nước đối với các dự án cấp bách, công trình trọng điểm quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh vay trong nước. Trước mắt chưa xem xét bảo lãnh phát hành trái phiếu quốc tế. Các doanh nghiệp hoặc ngân hàng thương mại nếu có nhu cầu thì chủ động phát hành trái phiếu quốc tế không có bảo lãnh chính phủ.
Bình luận (0)