Việc gia tăng mạnh doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất sản phẩm đầu cuối tại Việt Nam đã mở ra dư địa thị trường rộng lớn cho DN cung ứng sản phẩm phụ trợ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để có thể tham gia thị trường này thông qua việc đặt chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các DN trong nước cần phải cải tiến hiệu suất sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và có giá thành cạnh tranh.
Cải tiến sản xuất, giảm tồn kho
Trên thực tế, một số DN đã bước đầu xây dựng được nền tảng vững chắc nhờ nỗ lực vươn lên và tiếp cận được các phương pháp quản trị hiện đại thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo, cải tiến của TP HCM mà Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ TP là đầu mối chính. Công ty CP Cơ khí Điện tử Phú Thọ Hòa (VIEMCO) là một ví dụ.
Lợi nhuận của Công ty VIEMCO trong năm 2018 dự kiến sẽ tốt hơn năm 2017 nhờ cải tiến sản xuất
Là một trong số ít DN trong ngành cơ khí điện tử vẫn duy trì được hiệu quả hoạt động đến nay nhờ tập trung vào lĩnh vực thế mạnh là gia công khuôn mẫu, sản phẩm dập - nhựa, VIEMCO vừa trải qua 3 tháng cải tiến lớn dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia Samsung. Gần 70 hạng mục đã được cải tiến, nhà xưởng tinh tươm sạch sẽ hơn, sản xuất cũng hiệu quả hơn (giảm thiểu tồn kho từ hơn 13 tỉ đồng xuống còn 9 tỉ đồng, rút ngắn thời gian thay khuôn từ 30 phút xuống còn khoảng 6 phút…).
Ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc VIEMCO, cho biết năm 2017, doanh thu công ty đạt khoảng 1 triệu USD - tăng 20% so với năm 2016, lợi nhuận tăng hơn 10%. Năm nay, doanh thu có khả năng tăng khoảng 30% nhờ có thêm khách hàng mới, lợi nhuận sẽ tốt hơn do đã cải tiến, kiểm soát thất thoát hao hụt tốt hơn. "Còn rất nhiều việc phải làm, từ đổi mới máy móc thiết bị, tự động hóa đến nhân sự, marketing… Kế hoạch đã có sẵn, chỉ cần bắt tay thực hiện. DN nhỏ nên khó khăn về tài chính. Tôi vừa được biết TP HCM có Quyết định 15 hỗ trợ DN vay vốn, chúng tôi sẽ tìm hiểu kỹ hơn để làm thủ tục xin vay" - ông Minh nói.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp chủ lực
Mới đây, trong buổi làm việc về giải pháp tăng sức cạnh tranh cho TP HCM, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã khẳng định TP HCM tiếp tục hỗ trợ vốn, chính sách, đất đai đồng thời giúp DN nâng cao tính liên kết trong sản xuất, kết nối cho DN tăng cường xúc tiến đầu tư, chuyển giao công nghệ…
TP HCM đang thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu gồm cơ khí, chế biến lương thực thực phẩm, hóa chất - nhựa - cao su và điện tử - công nghệ thông tin. Kết quả đến năm 2017, tăng trưởng của 4 ngành này đạt 12,7%, cao hơn 4,8% mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Xét về cơ cấu ngành, điện tử - công nghệ thông tin phát triển mạnh (tăng 39,11%), 3 ngành còn lại tăng trưởng khiêm tốn, xoay quanh mức 3,5%. Dù tăng trưởng còn hạn chế nhưng nhìn chung, ngành điện tử - cơ khí đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây với sự bứt phá mạnh mẽ của nhiều DN.
Bình luận (0)