Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, từ sau Tết nguyên đán đến nay, mọi kế hoạch sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN) đều ít nhiều bị xáo trộn. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, DN nào cũng lên kế hoạch chặt chẽ để ứng phó với tình hình, vừa để duy trì hoạt động vừa thực hiện nhiệm vụ với cộng đồng, xã hội.
Làm ngày làm đêm cho kịp đơn hàng
Đặc biệt, các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường TP HCM mang trách nhiệm lớn hơn là đồng hành với chính quyền trong việc dự trữ, tổ chức sản xuất, phân phối hàng hóa giúp ổn định tình hình, bảo đảm hàng hóa đủ đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương khác trong trường hợp sức mua tăng đột biến, cục bộ, cũng như chuẩn bị cho những tình huống xấu hơn có thể phát sinh sắp tới.
Hiện các DN ngành hàng thực phẩm chế biến lớn như Công ty Vifon, Acecook, Bình Tây, Công ty CP Lương thực TP HCM… đang "chạy" tối đa công suất, sắp xếp lại dây chuyền và tổ chức tăng ca để kịp đưa hàng ra thị trường, vừa tăng cường nhập nguyên phụ liệu dự trữ cho sản xuất theo chỉ đạo của TP HCM.
Các siêu thị chuẩn bị lượng hàng hóa rất dồi dào, đáp ứng đủ mọi nhu cầu của khách hàng Ảnh: TẤN THẠNH
Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cũng đang nỗ lực điều tiết sản xuất để đáp ứng lượng đặt hàng tăng đột biến. Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc Vissan, nhấn mạnh tinh thần chung là công ty chuẩn bị nguyên liệu đầy đủ cho cả mảng thực phẩm tươi sống lẫn chế biến trong năm 2020. Từ đầu năm đến nay, tiêu thụ xúc xích, thịt hộp, hàng đông lạnh của Vissan đều tăng mạnh, riêng mặt hàng đồ hộp tăng gần 100%, công ty phải tổ chức sản xuất 3 ca vẫn không kịp đơn hàng.
Các DN phân phối như Saigon Co.op, Big C, MM Mega Market… đồng loạt tăng dự trữ các mặt hàng thực phẩm thiết yếu gấp 2-3 lần so với ngày thường. Trong đó, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) đã dự trữ 40 tỉ đồng hàng hóa, tăng khoảng 40% so với ngày thường. Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho biết Saigon Co.op là thành viên ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 của TP HCM nên đơn vị phải lên kế hoạch ứng phó cho các tình huống, kể cả xấu nhất là bệnh dịch bùng phát diện rộng. "Nguồn cung và dự trữ của Saigon Co.op đủ để cung ứng cho thị trường trong ngắn hạn nhưng về lâu dài sẽ gặp nhiều khó khăn do nguyên liệu sản xuất bị ảnh hưởng, một số DN đã điều chỉnh tăng giá hoặc có kế hoạch tăng giá. Nếu dịch chấm dứt trong 1-2 tháng tới thì không sao chứ kéo dài đến quý III, khả năng cao là phải tìm thêm nguồn cung từ thị trường trong nước lẫn nhập khẩu" - ông Huy nói.
Áp lực giữ giá
Các DN sản xuất chia sẻ thời điểm này quan trọng nhất là bảo đảm nguồn hàng không bị "đứt" hay thiếu hụt cục bộ và có phương án dự trữ, bổ sung mặt hàng, nhà cung cấp. Tuy nhiên, khó khăn kinh tế do dịch bệnh gây ra làm xáo trộn nhiều thứ, nguyên liệu sản xuất nhiều lĩnh vực trở nên khan hiếm, biến động giá, vì thế DN rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ về tài chính mới có thể gồng gánh giữ giá.
Mới đây, làm việc với các DN bình ổn thị trường và DN lớn lĩnh vực lương thực, thực phẩm trên địa bàn TP HCM, Giám đốc Sở Công Thương TP Phạm Thành Kiên nói "rất mừng là các DN đã có sự chuẩn bị tốt, đáp ứng kịp thời nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân TP, kể cả trong những ngày sức mua tăng đột biến như mấy ngày cuối tuần 7 và 8-3 vừa qua". Theo ông Kiên, TP đã dự trù được tình huống mua sắm tăng đột biến có thể xảy ra do tâm lý lo ngại dịch bệnh lan rộng nên có sự chuẩn bị kỹ, không để dẫn tới nguy cơ bị "vỡ trận".
"Dịch bệnh diễn biến phức tạp, đề nghị DN sản xuất lẫn phân phối không nên chủ quan vì sức mua trong dân rất khó dự báo mà cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để bảo đảm tốc độ sản xuất và dự trữ hàng hóa cả trên quầy kệ lẫn trong kho hàng. Trong quá trình sản xuất, DN nên ưu tiên hàng hóa cho thị trường trong nước rồi mới tính đến làm hàng cho xuất khẩu" - ông Kiên nhấn mạnh. Ông cho rằng việc bảo đảm chuỗi cung ứng liền lạc, trơn tru, ổn định giá trong giai đoạn khó khăn này chính là cơ hội để các DN thể hiện uy tín, nâng cao thương hiệu, chinh phục người tiêu dùng trong nước, hướng đến phát triển bền vững.
Người đứng đầu Sở Công Thương TP cũng phát đi thông điệp rằng ngành công thương sẽ phối hợp các sở, ngành chức năng tăng cường phát hiện và xử lý các đối tượng thu gom, tích trữ gây thiếu hàng cục bộ để làm giá, gây rối loạn thị trường; trường hợp phát hiện các cửa hàng, điểm bán tự ý nâng giá sẽ yêu cầu nhà sản xuất cắt ngay các hợp đồng giao hàng.
Theo kế hoạch dự thảo năm 2020, các DN tham gia bình ổn thị trường lương thực thực phẩm thiết yếu sẽ tham gia bình ổn giá 10 nhóm hàng gồm gạo, mì gói, bún khô…; đường RE, RS; dầu ăn; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả; thủy hải sản, gia vị. Đặc biệt, DN bình ổn thị trường phải xây dựng và đăng ký giá bán bình ổn thị trường với Sở Tài chính. Theo đó, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong chương trình bảo đảm thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm đăng ký giá ít nhất từ 5% đến 10%.
Thịt heo, gà tiêu thụ chậm
Trong khi các DN sản xuất, chế biến thực phẩm khô "làm không kịp thở" thì DN sản xuất thực phẩm tươi lại kém vui vì sức mua hàng tươi sống liên tục giảm trong gần 2 tháng nay. Cụ thể, tiêu thụ thịt heo, bò tươi của VISSAN vẫn tiếp tục ở mức thấp, tương đương với thời điểm bùng phát dịch tả heo châu Phi năm 2019. Tiêu thụ thịt, trứng gà của công ty San Hà, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt... cũng giảm trên dưới 20% so với trước Tết do nhiều trường học đóng cửa, còn nhà hàng, quán ăn, quán nhậu ế ẩm, giảm mua. Mặc dù vậy, các DN này cũng chủ động duy trì sản xuất, chế biến, dự trữ nhằm đáp ứng đủ chỉ tiêu kế hoạch bình ổn thị trường TP giao và sẵn sàng tham gia bình ổn thị trường khi cần thiết.
Bán hàng online tăng mạnh
Ngày 13-3, Bộ Công Thương cho biết thị trường hàng hóa hiện nay đã ổn định, nguồn cung hàng hóa tại các siêu thị, các chợ khá dồi dào. Người dân không còn đổ xô đi mua hàng tích trữ trước diễn biến dịch bệnh Covid-19. Các DN phân phối đều đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung để đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng. Cụ thể, hệ thống siêu thị Big C đã tăng gấp 3 lượng hàng dự trữ; hệ thống Saigon Co.op đã tăng 50%-100% lượng hàng; hệ thống siêu thị Vinmart tăng 50%-200% lượng hàng.
Trong khi đó, nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mì, thịt, gia vị... cũng đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống các siêu thị với số lượng khá nhiều, giá được niêm yết rõ ràng và ổn định so với tháng trước. Tại các chợ truyền thống, đại diện Bộ Công Thương cho hay hàng hóa được đưa về tương đối dồi dào nhưng do lo ngại về dịch bệnh nên sức mua tại các chợ giảm, người tiêu dùng tại các TP ưu tiên mua hàng tại các siêu thị hơn tại chợ. Sức mua tại chợ giảm khoảng 20%-30% so với trước khi có dịch bệnh.
Tại Hà Nội, do giá cả thực phẩm sau Tết tại các siêu thị ổn định và thấp hơn tại các chợ, nhu cầu mua sắm giảm nên lượng hàng hóa kinh doanh tại các chợ giảm tới 50%-70%, doanh thu giảm 50%-80% so với thời điểm không có dịch. Đơn cử như chợ Đồng Xuân doanh thu giảm 60%-80%, nhiều ki-ốt đóng cửa, nguồn hàng về chợ gặp khó khăn. Hiện nay, các hệ thống bán lẻ đều vắng khách hơn trước do khách hàng hạn chế đến nơi đông người, trong khi hình thức mua sắm trực tuyến (online) lại gia tăng, doanh thu từ thương mại điện tử của một số DN tăng từ 20%-30%.
Tại TP HCM, người dân đã thay đổi thói quen từ mua sắm hằng ngày sang mua sắm tập trung, đặc biệt những ngày cuối tuần. Do đó, trên địa bàn cũng xuất hiện tình trạng thu gom, tích trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phòng chống dịch gây khan hiếm cục bộ một số thời điểm, chủ yếu ngày cuối tuần. Để hạn chế tình trạng trên, UBND TP HCM đã lên phương án ứng vốn vay dự trữ hàng hóa và có kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng từ 50%-100% lượng hàng cung cho thị trường so với ngày thường, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống người dân.M.Chiến
Bình luận (0)