Ngày 31-10, nhóm nghiên cứu Doing Business của Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố kết quả đánh giá các chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2017 của 190 nền kinh tế trên thế giới (báo cáo Doing Business 2018), trong đó có kết quả đánh giá về chỉ số tiếp cận điện năng.
Theo đó, chỉ số tiếp cận điện năng năm 2017 của Việt Nam đạt 78,69/100 điểm, tăng 32 bậc so với xếp hạng năm 2016 và đứng ở vị trí 64/190 quốc gia/nền kinh tế. Đây là mức cải thiện thứ bậc xếp hạng cao nhất kể từ năm 2013 đến nay.
Tăng cải tiến, áp dụng khoa học công nghệ
Để có thành quả đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói chung và Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVN HCMC) đã có những cải tiến mạnh mẽ, áp dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ vào quản lý, vận hành lưới điện và cung ứng dịch vụ điện. Theo ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc kiêm người phát ngôn của EVN HCMC, trong năm 2017, tổng công ty đã triển khai nhiều giải pháp để rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng. Cụ thể, tổng công ty đã ban hành quy trình cấp điện qua lưới điện trung áp, quy định nâng công suất sử dụng của khách hàng được cấp điện trên lưới hạ áp (qua điện kế) từ 120 KVA lên 160 KVA với thời gian giải quyết không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, riêng đối với trường hợp có trồng trụ hoặc kéo cáp ngầm thì thời gian giải quyết không quá 7 ngày làm việc và hoàn toàn miễn phí trong quá trình giải quyết dịch vụ cấp điện cho khách hàng. Trường hợp nhu cầu sử dụng phụ tải của khách hàng lớn hơn 160 KVA, công ty điện lực thực hiện thông qua hình thức đầu tư công trình cấp điện chuyên dùng.
Công nhân EVN HCMC thi công trên đường dây đang mang điện (Live-Line)
Đối với các công trình do điện lực đầu tư, tổng công ty sẽ chịu toàn bộ chi phí đầu tư công trình cấp điện cho những khách hàng thuộc các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (trừ lĩnh vực kinh doanh bất động sản), khách hàng chỉ thực hiện duy nhất thủ tục đăng ký cung cấp điện. Sau đó, điện lực sẽ thực hiện tất cả các thủ tục đầu tư, đóng điện với tổng thời gian thực hiện không quá 13 ngày làm việc từ khi tiếp nhận đề nghị cấp điện của khách hàng cho đến lúc hoàn tất nghiệm thu đóng điện công trình. Đối với công trình do khách hàng đề nghị tự đầu tư, thời gian giải quyết các thủ tục thuộc trách nhiệm của ngành điện là không quá 3 ngày làm việc và của các cơ quan quản lý nhà nước là không quá 5 ngày làm việc; khách hàng chỉ thực hiện 2 thủ tục đăng ký cung cấp điện và nghiệm thu đóng điện với công ty điện lực và 1 thủ tục về thỏa thuận hướng tuyến cấp phép thi công với Sở Giao thông Vận tải.
Sẽ áp dụng một cửa liên thông
Cũng theo ông Phạm Quốc Bảo, tổng công ty đã triển khai nhiều giải pháp nhằm rút ngắn thời gian cũng như các thủ tục thuộc lĩnh vực của ngành điện và chủ động phối hợp với các sở/ngành đề xuất các giải pháp như bỏ bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ… Đồng thời, hoàn tất xây dựng dự thảo quy định "một cửa liên thông" và thông qua Sở Tư pháp TP để trình UBND TP cho thực hiện.
Các công ty điện lực thành viên cũng đã xây dựng mạch chu lưu giải quyết theo đặc thù đơn vị, tuân thủ triệt để việc giải quyết thủ tục cấp điện trạm biến áp chuyên dùng theo "cơ chế một cửa" đúng theo mốc tiến độ thời gian đã quy định. Tổng công ty phân cấp cho các công ty điện lực được quyết định đầu tư cấp điện chuyên dùng (không giới hạn công suất) để chủ động đáp ứng kịp thời yêu cầu sử dụng điện của khách hàng. Ngoài ra, tổng công ty cũng đã xây dựng lưu đồ (gồm chu trình cấp điện và thời gian giải quyết) để công khai phổ biến tại các quầy giao dịch điện lực, công bố trên website chăm sóc khách hàng cũng như trên các phương tiện truyền thông…
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, thời gian qua, EVN HCMC đã giảm chi phí đầu tư cho khách hàng và cải thiện đáng kể chỉ số tiếp cận điện năng, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng cho khách hàng và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Bình luận (0)