Cuộc đua của những thương hiệu ngoại
Đối tác của Burger King là Công ty TNHH Dịch vụ Thực phẩm và Giải khát Cánh Diều Xanh (BKV) - thành viên của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP). Ông Elias Diaz Sede, Chủ tịch Burger King khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết từ nay đến cuối năm, Burger King sẽ mở 12 cửa hàng tại 3 TP lớn gồm TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Chiến lược của Burger King là phát triển cùng cộng đồng doanh nghiệp (DN) địa phương thông qua mô hình nhượng quyền và mở cửa hàng càng nhanh càng tốt, phát triển mạng lưới rộng khắp.
Trước khi Burger King chính thức có mặt tại Việt Nam, hồi tháng 8 năm nay, lãnh đạo Tập đoàn McDonald’s (Mỹ) đã tiếp xúc với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, một số đối tác nhượng quyền tiềm năng nhằm xúc tiến việc mở cửa hàng tại TPHCM. Dự kiến, tập đoàn này sẽ chính thức có mặt ở Việt Nam trong vòng 2 năm tới thông qua hình thức nhượng quyền 100% vốn và về lâu dài sẽ mở 100 nhà hàng tại các TP lớn.
Trong ảnh: Thực khách tại một cửa hàng Burger King ở TPHCM Ảnh: QUỐC THẮNG
Một “ông lớn” khác về thức ăn nhanh là Starbucks Coffee (Mỹ) cũng đã xác nhận sẽ có mặt tại Việt Nam trong năm 2013. Tập đoàn The Johnny Rockets cũng đã bắt tay với Hãng Tư vấn quản lý và Kinh doanh bất động sản CBRE và không giấu ý định sẽ nhượng quyền thương hiệu chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh, mở 10 cửa hàng ở nước ta trong vài năm tới.
Trước đó, trong năm 2011, một loạt DN lớn của Mỹ trong ngành ẩm thực, nhà hàng như Pollo Tropical, Dennys, Applebees, The Melting Pot, Great American Cookies… cũng đã đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội làm ăn.
Không chỉ những tập đoàn lớn, tầm cỡ nhắm đến thị trường Việt Nam mà cả những DN nhỏ trong khu vực cũng xem Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để mở rộng độ bao phủ thông qua hình thức nhượng quyền thương hiệu. Tại Triển lãm Nhượng quyền Thương hiệu và Cửa hàng Quốc tế 2012 tổ chức ở TPHCM vào giữa tuần này, nhiều DN nước ngoài đã tham gia để tìm kiếm đối tác, cơ hội hợp tác nhượng quyền kinh doanh.
Tính từ thời điểm chuỗi nhà hàng gà rán KFC (thuộc Yum! Brands) vào Việt Nam đến nay, thương hiệu này cùng với Lotteria (Hàn Quốc), Jollibee (Philippines) đã nắm giữ thị phần đáng kể của thị trường thức ăn nhanh. Đó là chưa kể đến sự hiện diện của các thương hiệu khác như Phở 24, Pizza Hut, Pizza Inn, Domino Pizza, Carl’s Jr, Subway…
Điểm đến đầu tư hấp dẫn
Việt Nam có dân số tương đối trẻ, thu nhập của nhóm trung lưu ngày càng tăng và thích làm quen với sản phẩm mới. Thế nên, việc các tập đoàn chuyên về thức ăn nhanh đổ vào Việt Nam đã được dự đoán trước, do đây là thị trường mở, đầy hấp dẫn. So với các nước khác trong khu vực, thị trường Việt Nam còn khá mới và tiềm năng. Với sự tham gia của các thương hiệu lớn, trong tương lai, thị phần sẽ sớm được chia lại.
Tình hình bùng nổ nhượng quyền thương hiệu cũng diễn ra tương tự ở các lĩnh vực khác như giáo dục, thời trang, y tế… Đại diện một DN chuyên tư vấn nhượng quyền cho các DN Singapore vào Việt Nam cho biết so với Singapore và một số nước trong khu vực, hoạt động nhượng quyền tại Việt Nam chưa xứng với tiềm năng. Đa số DN chưa có nhiều kinh nghiệm về hình thức kinh doanh này nên còn khá e dè. Tuy nhiên, khối DN nước ngoài thì quan tâm và đến tìm cơ hội làm ăn tại Việt Nam thông qua hình thức nhượng quyền ngày càng nhiều. Riêng các DN Singapore đặc biệt quan tâm đến 2 lĩnh vực thực phẩm và giáo dục.
Khi Việt Nam hội nhập WTO sâu rộng, các tổ chức kinh doanh quốc tế càng có nhiều cơ hội vào Việt Nam kinh doanh nhượng quyền. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ bán lẻ của nước ta luôn được đánh giá rất hấp dẫn vì dân số đông (hơn 90 triệu người), thị trường còn nhiều “dư địa” và tiềm năng phát triển. Song song đó, cùng với xu thế công nghiệp hóa, thương mại - dịch vụ bán lẻ sẽ tăng trưởng nhanh. Phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài đều nhìn ra những cơ hội trong tương lai nên quyết định đầu tư vào Việt Nam và chọn hoặc hướng đến hình thức nhượng quyền để gia tăng sự hiện diện trên thị trường mà không bị chôn vốn.
Thách thức các doanh nghiệp trong nước
Theo các chuyên gia thương mại, hình thức nhượng quyền giúp DN tiết kiệm chi phí, tránh rủi ro và gánh nặng về quản lý khi mở rộng thương hiệu. Thay vì phải tốn chi phí thuê người quản lý, các đối tác nhận nhượng quyền sẽ là những người quản lý tốt bởi quyền lợi của họ gắn liền với hiệu quả hoạt động của cửa hàng. Thêm nữa, nếu đầu tư trực tiếp vào Việt Nam sẽ mất thời gian và kinh phí cho việc tìm hiểu và xây dựng hệ thống phân phối, trong khi việc nhượng quyền sẽ giúp DN hạn chế được chi phí này và những rủi ro khác liên quan đến pháp lý.
Khi tham gia vào hệ thống nhượng quyền, bên nhận quyền sẽ được huấn luyện, đào tạo và truyền đạt các kinh nghiệm quản lý, bí quyết thành công của bên nhượng quyền nên nhờ đó rủi ro được giảm thiểu. Dù vậy, nhượng quyền cũng tiềm chứa không ít thách thức đối với DN, đặc biệt là nguy cơ phá sản mà nguyên nhân chính là do thiếu kỹ năng quản lý, thiếu hiểu biết về chiến lược phát triển thương hiệu quốc tế…
Hầu hết các DN cho biết lo ngại lớn nhất không phải là áp lực cạnh tranh từ các “đại gia” hay đối thủ trực tiếp trong lĩnh vực của mình mà chính là nguồn cung mặt bằng. Với kinh nghiệm sẵn có, thế mạnh riêng, các DN trong nước hoàn toàn tự tin trong cuộc cạnh tranh chinh phục khách hàng. Thế nhưng, chạy đua tìm và giữ được mặt bằng đẹp để mở rộng chuỗi hệ thống là vấn đề nan giải.
Sẽ phát triển chóng mặt
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế độc lập, phân tích: “Nhượng quyền thương hiệu là xu thế chung, đang đà phát triển mạnh. Có thể đến năm 2014, rất nhiều điều khoản cam kết về WTO được dỡ bỏ, ngành bán lẻ buộc phải mở cửa thị trường và các nhà đầu tư hoàn toàn tự do thâm nhập thị trường Việt Nam; kinh tế Việt Nam phục hồi, thu nhập của giới trẻ tăng lên và mức tiêu xài gia tăng…, từ đó nhượng quyền sẽ phát triển chóng mặt. Riêng trong lĩnh vực thức ăn nhanh xuất hiện ngày càng nhiều các thương hiệu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… Lợi thế lớn nhất của chuỗi cửa hàng này là nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, tạo nên xu hướng tiêu dùng mới và giá cả được chuẩn hóa, luôn tạo sự an tâm cho người mua. Bên cạnh đó, chiến lược đầu tư bài bản, kinh nghiệm trong tiếp thị, quản lý cũng giúp DN thành công hơn. Sự thành công này buộc các DN, cửa hàng nhỏ lẻ Việt Nam phải cố gắng cải tiến, học hỏi và từng bước chuẩn hóa nếu không muốn mất khách. Một cửa hàng Burger King tại TPHCM
|
Bình luận (0)