xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nợ xấu ám ảnh cổ đông

THÁI PHƯƠNG

Áp lực tăng vốn và trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu trở thành nỗi ám ảnh với các ngân hàng thương mại trong mùa đại hội cổ đông 2016

Tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của một ngân hàng (NH) cổ phần quy mô nhỏ, hội sở tại TP HCM mới đây, các cổ đông NH này liên tục chất vấn hội đồng quản trị (HĐQT) tại sao chỉ chia 3,9% cổ tức bằng tiền mặt trong khi lợi nhuận kinh doanh vượt kế hoạch và lợi nhuận giữ lại từ những năm trước không ít?

“Ăn mòn” lợi nhuận

Một thành viên HĐQT NH này lý giải lợi nhuận trước trích lập dự phòng năm 2015 là 770,9 tỉ đồng, tăng 37% so với năm trước, vượt xa kỳ vọng do kế hoạch lợi nhuận cả năm NH đặt ra chỉ có 300 tỉ đồng, tỉ lệ trích lập dự phòng cho các khoản nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là 10%.

Tuy nhiên, theo quy định của NH Nhà nước, các NH thương mại phải trích lập thêm 20% dự phòng rủi ro cho các khoản nợ đã bán cho VAMC trong suốt 5 năm khiến tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và dự phòng trái phiếu VAMC lên tới gần 663,2 tỉ đồng nên lợi nhuận trước thuế của NH này xuống chỉ còn 107,7 tỉ đồng.

Trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu bào mòn lợi nhuận của các ngân hàng thương mạiẢnh: TẤN THẠNH
Trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu bào mòn lợi nhuận của các ngân hàng thương mạiẢnh: TẤN THẠNH

“Nếu chỉ trích lập 10%, NH sẽ không được phát triển mạng lưới, không đáp ứng yêu cầu của NH Nhà nước về tăng vốn điều lệ, có thể bị kiểm soát đặc biệt, trong khi thực tế sức khỏe NH tốt nên mong cổ đông chia sẻ” - vị này lý giải.

Nhờ tăng cường bán nợ cho VAMC trong 2 năm nay, tỉ lệ nợ xấu của NH này cũng giảm khá mạnh, từ 2,75% năm 2014 xuống còn 1,72% đến cuối năm 2015. Đổi lại, cổ đông của NH này nhận được mức cổ tức không như kỳ vọng.

Nhiều NH khác thậm chí còn không trả cổ tức cho cổ đông suốt nhiều năm chỉ vì nợ xấu. Tại ĐHCĐ của NH TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) mới đây, các cổ đông cũng rất nóng lòng vì cổ tức. Năm 2015, lợi nhuận trước thuế của Maritime Bank đạt 158 tỉ đồng, giảm 2,45% so với năm trước mà nguyên nhân lãnh đạo NH này giải thích chủ yếu do tăng cường xử lý các khoản nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo yêu cầu của NH Nhà nước để bảo đảm tài chính ổn định trong những năm tiếp theo. Cụ thể, Maritime Bank đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 549 tỉ đồng, bán nợ xấu cho VAMC lên hơn 7.069 tỉ đồng..., nhờ đó kéo nợ xấu giảm mạnh về mức 2,16% đến cuối năm 2015.

Tương tự, dù năm 2015, lợi nhuận trước thuế của NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) lên đến 7.345 tỉ đồng nhưng tại ĐHCĐ vừa diễn ra, lãnh đạo NH này thông báo sẽ không trả cổ tức năm 2015 khiến các cổ đông vô cùng thất vọng. Trong tờ trình phân phối lợi nhuận, VietinBank nêu rõ lợi nhuận hợp nhất sau khi trừ thuế và trích lập các quỹ là 3.660 tỉ đồng không dùng để chia cổ tức mà để bổ sung nguồn vốn tự có nâng cao năng lực tài chính; bảo đảm tuân thủ các giới hạn về an toàn vốn theo quy định của NH Nhà nước và thông lệ quốc tế.

Phải xử lý triệt để nợ xấu

Để xử lý nợ xấu, thời gian qua, các NH thương mại đã áp dụng nhiều hình thức từ thu hồi nợ, bán tài sản bảo đảm, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hoặc bán nợ cho VAMC. Tại Vietcombank, trong năm ngoái, NH này đã chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên tới 6.068 tỉ đồng. Quý I vừa qua, Vietcombank tiếp tục trích 1.305 tỉ đồng dự phòng rủi ro tín dụng trong tổng số 3.604 tỉ đồng lợi nhuận thuần từ kinh doanh.

Trong một công bố mới đây, VAMC cho biết đến nay, VAMC đã mua được 24.556 khoản nợ có tổng dư nợ gốc là 244.082 tỉ đồng và giá mua là 208.636 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, hiệu quả xử lý nợ xấu chưa như mong muốn; nếu không có cơ chế kiểm soát, quản trị tốt thì nợ xấu có thể gia tăng trở lại.

Từ tháng 2-2013, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương thành lập thị trường mua bán nợ nhằm góp phần xử lý triệt để nợ xấu nhưng sau hơn 3 năm vẫn chưa có khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua bán nợ và tài sản.

Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), NH Nhà nước và Bộ Tài chính cần đẩy nhanh tiến độ ban hành nghị định về thị trường mua bán nợ và tài sản theo hướng gỡ bỏ tối đa các rào cản, tạo điều kiện thu hút các tổ chức cá nhân có thể tham gia vào thị trường này. Cần có cơ chế đặc thù cho VAMC như cơ chế riêng tiến hành các thủ tục pháp lý khi xử lý tài sản bảo đảm; được hợp thức hóa các tài sản chưa rõ ràng về pháp lý để xử lý, chuyển nhượng, tạo thanh khoản và cho phép VAMC được bán nợ, bán tài sản cho nước ngoài, các đơn vị, cá nhân không có chức năng mua bán nợ.

“NH Nhà nước cần chỉnh sửa quy định theo hướng mở rộng đối tượng được mua bán nợ theo giá thị trường của VAMC, bao gồm cả các công ty xử lý nợ của các tổ chức tín dụng, cho phép tổ chức tín dụng cầm cố trái phiếu VAMC để vay vốn từ NH Nhà nước” - ông Hà đề xuất.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo