xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nợ xấu đè nặng nền kinh tế

Bài và ảnh: KỲ NAM

Theo TS Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế, Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam, nếu cộng tất cả các khoản thì tổng nợ xấu ngân hàng ước tính khoảng nửa triệu tỉ đồng

Trong 2 ngày 5 và 6-4, tại TP Nha Trang - Khánh Hòa, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2013 với chủ đề “Tái cơ cấu nền kinh tế - Một năm nhìn lại”.

img

PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng có ít nhất 3 yếu tố thể hiện nền kinh tế đang theo chiều hướng ảm đạm

Khoảng 55.000 doanh nghiệp đóng cửa

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tình hình kinh tế năm 2012 và quý I/2013 đang có kết quả theo hướng tích cực: kéo giảm lạm phát xuống mức khá thấp, từ hơn 18% năm 2011 xuống 6,81% năm 2012, kéo theo đó là giảm đáng kể mức lãi suất; “đảo chiều” cán cân thương mại một cách ngoạn mục - chuyển từ nhập siêu 9 tỉ USD năm 2011 sang xuất siêu gần 0,6 tỉ USD năm 2012; giữ tỉ giá ổn định và tăng mạnh lượng dự trữ ngoại tệ.

Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng có ít nhất 3 yếu tố thể hiện nền kinh tế đang theo chiều hướng ảm đạm.

Thứ nhất, sự xấu đi rõ rệt của một vài chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng nhất như: sụt giảm mạnh tỉ trọng đầu tư xã hội so với GDP, từ 41,9% năm 2010 xuống 34,6% năm 2011 và 33,5% năm 2012; biên độ giảm lạm phát rất lớn, lên đến 11,2% cho thấy về dài hạn, nền kinh tế vẫn đang trong thời kỳ bất ổn nghiêm trọng...

Thứ hai, nền kinh tế phải trả cái giá quá đắt để đổi lấy những kết quả được coi là tích cực nêu trên. Dễ nhận thấy nhất là cái giá để “hạ thấp lạm phát”. Ở cấp độ trực tiếp, sự sụt giảm mạnh và đột ngột mức tăng cung tín dụng từ hơn 31% năm 2010 xuống còn 14% trong năm 2011 (giảm hơn 50%), đối với một nền kinh tế “nghiện nặng vốn đầu tư” lại đang trong cơn “ốm yếu” đã gây ra cú sốc lớn.
Hậu quả, nền kinh tế nhanh chóng bị suy kiệt và điều tất yếu là khoảng 55.000 doanh nghiệp phải đóng cửa. Một điều nữa, xuất siêu gần 0,6 tỉ USD năm 2012 là một kỳ tích bất thường sau hơn 20 năm trường kỳ nhập siêu. Sự xoay chuyển tình thế quá đột ngột của nền kinh tế khi đang bị khủng hoảng rõ ràng là một chỉ báo tiêu cực, chứng tỏ nền kinh tế đã bị suy yếu nghiêm trọng, đến mức không thể hấp thụ đầu vào.

Thứ ba, cách điều hành chính sách vĩ mô đang có xu hướng gia tăng bất ổn, làm suy yếu lòng tin thị trường.

Chưa đồng lòng vượt khó

Theo TS Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế, Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam, nếu cộng các khoản nợ xấu tiềm tàng như nợ khoanh, nợ được cơ cấu lại theo Quyết định 780/QĐ-NHNN và nợ được cơ cấu lại của Vinashin, Vinalines thì tổng nợ xấu ngân hàng ước tính sẽ vào khoảng nửa triệu tỉ đồng. Con số này tương đương 18% tổng dư nợ tín dụng, gần 10% tổng tài sản toàn hệ thống hay khoảng 17% GDP danh nghĩa năm 2012.

Bên cạnh đó, nghiên cứu của Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho thấy nợ xấu của thị trường bất động sản chiếm phần lớn số nợ xấu hiện tại của ngân hàng. Năm 2011, tổng dư nợ cho vay bất động sản là 348.000 tỉ đồng, vượt hơn 1,8 lần so với con số đã được các ngân hàng công bố trước đây, tức xấp xỉ 200.000 tỉ đồng.

Nhìn nhận quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trong 1 năm qua, TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng các công việc đã làm chưa tập trung vào giải quyết vấn đề căn bản là tạo lập một hệ thống động lực khuyến khích mới để phân bố nguồn lực trong toàn xã hội; chưa khuyến khích, tạo thuận lợi và lực để  các doanh nghiệp, nhà đầu tư dám chấp nhận rủi ro, có tư duy, cách làm mới để cơ cấu lại và sử dụng tốt hơn các nguồn lực và tài sản xã hội.
Trái lại, có phần dung dưỡng, che chắn cho một số doanh nghiệp mà chính họ là những tác nhân của khó khăn kinh tế hiện nay. “Hiện nay, nền kinh tế như một chiếc xe trên ngã ba đường. Thẳng tiến là vực sâu, phải rẽ sang xa lộ khác nhưng phải qua một chặng đường gập ghềnh và khúc khuỷu. Trong khi đó, người lái và hành khách trên xe có vẻ chưa đồng lòng vượt khó” - ông Cung nhận định.

Tạo đột phá trong thu hút đầu tư

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp trả các khoản nợ ở ngân hàng nhằm thúc đẩy kinh tế trong nước. Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển 2 đặc khu kinh tế Quảng Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu theo hướng xây dựng những thể chế tốt nhất, tạo đột phá trong thu hút đầu tư nước ngoài...

TS Tô Ngọc Hưng, Giám đốc Học viện Ngân hàng, cho rằng Chính phủ không nên dùng ngân sách giải cứu doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để buộc họ hạ giá thành và tạo thanh khoản cho thị trường; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp. “Chính phủ cần tính tới việc đánh thuế tài sản nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ bất động sản” - ông Hưng kiến nghị.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo