Ngày 9-4, Báo Người Lao Động đăng bài "Một ngày ở nơi giá rẻ nhất nước", thông tin về giá cả sinh hoạt ở tỉnh Hậu Giang cực kỳ rẻ, thu hút sự chú ý của đông đảo bạn đọc. Từ câu chuyện này, nhìn rộng ra, còn có nhiều điều cần đặt ra với các nhà hoạch định chính sách.
Nhóm cận nghèo nhất vùng
Cuối quý I/2018, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá sinh hoạt theo không gian năm 2017 (SCOLI). Theo đó, ĐBSCL là vùng có chỉ số SCOLI thấp nhất nước, trong đó có tỉnh Hậu Giang thấp nhất vùng.
Một góc TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang Ảnh: DUY NHÂN
SCOLI là một chỉ tiêu thống kê quốc gia, phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá sinh hoạt giữa các vùng, địa phương trong một thời gian, thường là một năm. SCOLI phục vụ đánh giá kết quả thực hiện chính sách và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Hậu Giang là tỉnh thuần nông, lực lượng nông dân đông đảo, địa bàn nông thôn chủ yếu. Đây là tỉnh có quy mô nền kinh tế nhỏ nhất vùng ĐBSCL với tổng giá trị GRDP (giá so sánh năm 2010) khoảng 18.200 tỉ đồng, bằng 29,6% của TP Cần Thơ, chỉ chiếm 3,5% tổng GRDP của toàn vùng. Hậu Giang là địa phương có dân số ít nhất vùng, với hơn 770.000 người, chỉ bằng 35,7% dân số tỉnh An Giang và 4,4% dân số ĐBSCL. Mấy năm qua, dân số Hậu Giang có xu hướng giảm cơ học do tình trạng di cư khá cao ra ngoài tỉnh.
Kết quả một số nghiên cứu cho thấy sự chuyển đổi kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp và dịch vụ của tỉnh chưa tạo được việc làm cho đại bộ phận lao động dịch chuyển ra khỏi ngành nông nghiệp. Trong đó, việc phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống còn nhiều khó khăn về nguồn vốn và thị trường tiêu thụ.
Thiếu việc làm, thu nhập thấp, thiếu đất sản xuất, lao động chưa qua đào tạo và ít cơ hội nghề nghiệp là nguyên nhân đẩy lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp, nông thôn. Phần lớn lao động trẻ có xu hướng đi nơi khác tìm việc làm. TP HCM, Bình Dương và các tỉnh Đông Nam Bộ là những điểm đến hấp dẫn nhất đối với người di cư trong tỉnh. Hậu Giang cùng với Sóc Trăng, Bạc Liêu là 3 địa phương có tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất vùng.
Nguyên nhân giá rẻ
Chỉ số giá tiêu dùng theo không gian của ĐBSCL thấp nhất cả nước chủ yếu ở các nhóm hàng có giá thấp như lương thực, thực phẩm. Theo lý giải của Tổng cục Thống kê, sở dĩ vùng này có mức giá thấp như vậy là do địa hình bằng phẳng, điều kiện khí hậu thuận lợi thâm canh tăng vụ trong sản xuất nông nghiệp, nên các nhóm hàng lương thực, thực phẩm có giá thấp.
Trong đó, Hậu Giang là tỉnh có chỉ số giá sinh hoạt thấp nhất cả nước. Chỉ số này chỉ bằng 89,38% so với Hà Nội và giá bình quân các nhóm hàng khác cũng thấp hơn từ 4% đến 25%. Giá thấp chủ yếu do các nhóm hàng lương thực, thực phẩm và nông sản các loại. Phần lớn cư dân của tỉnh sống từ thu nhập nông nghiệp và thủy sản. Trong khi họ phải chi trả cho các dịch vụ y tế, khám chữa bệnh cùng loại thường cao hơn. Giá dịch vụ y tế của Hậu Giang năm qua tăng 67,05%. Nhóm vật liệu xây dựng của Hậu Giang cao hơn Hà Nội 0,05%, các nhóm hàng như thiết bị và đồ dùng gia đình, dịch vụ y tế cũng thường cao hơn. Điều đó cho thấy, mặc dù giá tiêu dùng rẻ nhất nước, nhưng cư dân nông thôn, người làm nông nghiệp khó khăn hơn.
Ba địa phương có chỉ số SCOLI cao nhất nước là TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, nếu so với Hậu Giang là tỉnh có chỉ số giá tiêu dùng thấp nhất nước và thực tế đời sống người dân, thì kết quả trên gợi nhiều suy ngẫm hơn là tự hào "nơi đáng sống". Cùng với Hậu Giang là các tỉnh nghèo trong vùng như Trà Vinh, Sóc Trăng cũng có chỉ số SCOLI thấp. So sánh khập khiễng, nhưng giá sinh hoạt ở Mỹ, châu Âu luôn cao hơn ở nước ta, song mức sống của họ luôn được xếp ở chiếu trên. Thu nhập ở phương Tây, tiêu dùng ở xứ ta mới là thượng đế. Nhìn ở góc độ người dân nông thôn tại chỗ như Hậu Giang, thì chỉ số tiêu dùng thấp là sự yếu thế.
Cần chính sách hiệu quả cho người nghèo nông thôn
Một nghiên cứu của PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, đã diễn đạt thu nhập của nông dân bằng hình tượng "Hạt gạo cắn làm 8". Trong đó, người trồng lúa, ngoài việc phải lo cho nhà mình, còn chi trả tiền học hành cho con, trả nợ vay ngân hàng, thanh toán cho đại lý vật tư nông nghiệp (mua trước, trả sau), lo cho nhà hàng xóm (hiếu hỷ), góp phần giảm chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tạo vị thế cho quốc gia với tư cách nhà xuất khẩu gạo trên thế giới.
Nay nhìn ở góc độ SCOLI thì lo nhiều hơn mừng cho nông dân. PGS-TS Nguyễn Văn Sánh cũng phân tích kịch bản thu nhập - tiêu dùng - đầu tư của nông dân ĐBSCL theo "Bốn bước". Bước vào là nông dân có vốn, kỹ thuật và quản lý tốt sẽ phát triển trang trại, phát triển kinh tế nông hộ quy mô lớn hơn. Bước ra là hộ ít đất, kỹ thuật thấp và đáp ứng thị trường kém thì bán đất và bước ra ngoài khu vực nông nghiệp. Bước lên là người có đất, thiếu kỹ thuật và vốn đầu tư phải bước lên qua hình thức kinh tế hợp tác, HTX, hoặc công ty cổ phần nông nghiệp. Nếu bước ra không có việc làm, bước vào không được và bước lên không xong thì phải bước xuống trở thành thất nghiệp và nghèo khó, hoặc di dân và tìm việc làm thành thị. Do vậy, nâng cao năng lực nông dân, hình thức tổ chức hợp tác sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm nâng cao thu nhập và tạo cơ hội việc làm cho nông dân Hậu Giang là rất quan trọng.
Chúng ta đang dùng thang đo "nghèo đa chiều" thay cho "tiêu chí thu nhập" đơn điệu để tìm kiếm công bằng hơn. Nhưng đáng lo ngại khi khoảng cách giàu - nghèo càng bị đẩy ra xa hơn. Người nghèo ở khu vực nông thôn, dân cư khó khăn nên khi có bệnh, ít được đến các cơ sở y tế điều trị. Quỹ BHYT ở những nơi này thường kết dư lớn. Ngược lại, ở thành phố luôn bội chi Quỹ BHYT. Người nghèo phải bù đắp chi phí cho người giàu trong khám, điều trị bệnh là một nghịch lý. Nó cũng giống như giá lương thực, thực phẩm của nông dân bù cho các nhóm hàng khác.
Nghịch lý đó đang đặt ra bài toán cần lời giải tổng thể từ cơ chế, chính sách kinh tế - xã hội, các giải pháp, cách thức thực thi. Người nghèo cần được định vị lại cuộc mưu sinh bền vững hơn. Cần có nhiều hơn nữa các cơ chế, chính sách hỗ trợ người nghèo thiết thực hơn và thực thi có hiệu quả hơn. Các vấn đề đất đai, khoa học kỹ thuật cho sản xuất hàng hóa lớn ở khu vực nông nghiệp, nông thôn đang cần sự sửa đổi cực kỳ mạnh dạn để chuyển đổi nông nghiệp sang một mô hình khác, chứ cứ lắt nhắt một ít chính sách trợ giúp tạm trữ, một ít chính sách hỗ trợ vốn, một vài dự án hỗ trợ khoa học - kỹ thuật, rồi trộn lẫn với chính sách giảm nghèo có tính đối phó, theo đuôi thiệt hại như vừa qua thì rõ ràng là không thể cải thiện được đời sống người dân.
Chỉ số SCOLI thấp nhất nước chỉ là một góc nhìn, cần được xem là chỉ dấu để rà soát và hoạch định các chính sách liên quan hơn là tự hào về một nơi đáng sống chỉ đơn thuần vì giá rẻ để tiêu tiền.
TS VÕ HÙNG DŨNG, nguyên Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ:
Xuất phát từ thu nhập không cao
Sở dĩ tại Hậu Giang có giá cả rẻ như Báo Người Lao Động đã nêu, do thu nhập của người dân không cao nên họ tiêu dùng thấp. Thứ hai, do đô thị phát triển yếu, chưa xuất hiện tầng lớp có nhu cầu mua sắm tốt. Thông thường ở những đô thị lớn như
TP HCM thì tiêu dùng có giá cao nhưng cũng có phân khúc giá thấp như ở những khu dân cư nghèo, khu bình dân. Còn ở những thành phố trung bình hoặc nhỏ, hầu hết có giá rẻ do thu nhập nơi đó thấp. Nếu đi quanh các cửa hàng, cửa hiệu tại Hậu Giang kiếm hàng chất lượng cao sẽ không có.
Muốn cải thiện thu nhập, Hậu Giang cần giải quyết vấn đề tăng trưởng kinh tế. Hiện nay tăng trưởng kinh tế của Hậu Giang không phải là quá thấp nhưng nó lại tập trung ở khu vực bên ngoài chứ không phải khu đô thị. Nơi này có 2 khu vực: khu vực gần sông có khu công nghiệp, đường sá phát triển nhộn nhịp thì giá cả ở đây chưa chắc rẻ. Riêng khu vực TP Vị Thanh nằm phía trong là đô thị, bao quanh là khu vực nông thôn thì ở đó tăng trưởng kinh tế thấp. Vì vậy, Vị Thanh ít dịch vụ, mặc dù có khu hành chính "bao la". Nhưng khu hành chính không tạo ra được của cải như các nhà máy sản xuất, không có nơi mua sắm lớn, hoạt động thương mại để thu hút du khách. Vì vậy, cần khắc phục điểm yếu ở khu trung tâm này để tăng trưởng kinh tế.
C.LINH
Bình luận (0)