Trong bối cảnh nhiều ngân hàng (NH) thương mại hết hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) nên không thể giải ngân cho vay, các chuyên gia kinh tế cho rằng NH Nhà nước (NN) nên cân nhắc nới room với điều kiện kiểm soát để dòng tiền chảy đúng hướng.
Sẽ nới room vào thời điểm phù hợp
Ông Trần Tấn Lộc, Tổng Giám đốc NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), cho hay hồi đầu năm, Eximbank được cấp hạn mức cho vay 10%. Đến nay, NH đã sử dụng hết 7%. Với hạn mức còn lại, Eximbank phải tính toán rất kỹ mới dám cho vay.
"Nhu cầu vốn của doanh nghiệp thường tăng cao vào những tháng cuối năm nên Eximbank đã có văn bản xin cấp thêm hạn mức tín dụng. Trong lúc chờ được nới room tín dụng, chúng tôi sẽ phải "liệu cơm gắp mắm", tập trung cho vay sản xuất - kinh doanh gắn liền với gói hỗ trợ lãi suất cho vay 2%" - ông Trần Tấn Lộc bộc bạch.
Ngân hàng Nhà nước xem xét nới room tín dụng vào thời điểm phù hợp nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát .Ảnh: TẤN THẠNH
Tại NH TMCP An Bình (ABBANK), tính đến tháng 5-2022, tăng trưởng tín dụng của NH đạt 6,8% so với cuối năm ngoái. Để triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho vay 2% từ gói ngân sách 40.000 tỉ đồng, ABBANK đã rà soát kế hoạch tín dụng và đăng ký hạn mức tham gia hỗ trợ lãi suất là 572 tỉ đồng, tương đương quy mô 28.600 tỉ đồng dư nợ cho vay bình quân đối với các đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Muốn vậy, NH cần thêm room tín dụng thời gian tới.
Trước thông tin nhiều NH thương mại có nhu cầu nới room tín dụng để đẩy thêm vốn ra thị trường, đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng, tại họp báo thông tin kết quả hoạt động NH 6 tháng đầu năm 2022 ngày 15-6, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN, cho biết 3 năm trở lại đây, nhu cầu tăng trưởng tín dụng của các NH thương mại đăng ký luôn trên 20%. Nếu cứ để các NH thương mại tăng trưởng tín dụng theo nhu cầu, áp lực với lạm phát là rất lớn. Chưa kể, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng, các NH có thể phải chạy đua tăng lãi suất huy động, dẫn tới lãi suất cho vay và nợ xấu tăng theo. Đây cũng là lý do mà NHNN áp dụng room tín dụng.
Theo NHNN, dù lạm phát 5 tháng đầu năm chỉ tăng 2,25% song áp lực lạm phát với nền kinh tế đang rất lớn, đặc biệt là lạm phát nhập khẩu vì độ mở nền kinh tế cao. Trên thế giới, các nước đang tăng cường chính sách thắt chặt tiền tệ. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, các quốc gia trên thế giới đã có 114 lượt tăng lãi suất.
Áp lực nhập khẩu lạm phát thế giới cộng với nhu cầu tín dụng tăng nhanh trong nước sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý. Do đó, NHNN sẽ theo sát việc tăng trưởng kinh tế vĩ mô để điều hành tăng trưởng tín dụng và xem xét nới room tín dụng vào thời điểm phù hợp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% mang tính chất định hướng của NHNN đặt ra từ đầu năm và có điều chỉnh tùy theo điều kiện thực tế.
"NHNN sẽ có phương án điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm ổn định giá trị đồng tiền, ổn định vĩ mô, kiểm soát được lạm phát. Trong đó, kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu trong điều hành chính sách tiền tệ của ngành NH. Trên cơ sở đó, tiếp tục cung ứng vốn một cách hợp lý trên điều kiện kiểm soát lạm phát" - Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định.
"Gạn đục khơi trong" vốn tín dụng
Theo ông Phạm Chí Quang, với những lĩnh vực ưu tiên, nếu NH thương mại cấp vốn tín dụng sẽ được NHNN xếp hạng, phân loại cao hơn hoặc cân nhắc tăng thêm hạn mức tín dụng. Các tổ chức tín dụng tham gia tái cơ cấu NH yếu kém, quỹ tín dụng nhân dân… cũng tương tự. Riêng với những tổ chức tín dụng thường xuyên bị cảnh báo đổ vốn vào lĩnh vực rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán, tỉ trọng tốc độ tăng trưởng rất lớn vào lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp... sẽ bị "điểm trừ" trong việc xem xét nới room.
Ông Quang cho biết NHNN đang theo dõi số liệu từ từng tổ chức tín dụng theo từng ngày, có thể có NH gần hết room nhưng cũng có trạng thái "phòng thủ" để bảo đảm cân nhắc, cấp room tín dụng cho những khách hàng ưu tiên hơn. "Chúng tôi nghĩ đây là giai đoạn cần "gạn đục khơi trong" để bảo đảm các NH tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên hơn, những khoản nợ chất lượng cao hơn" - ông Quang nói.
Các chuyên gia kinh tế đều nhất trí rằng NHNN nên nới room tín dụng cho các NH thương mại nhằm bổ sung vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng sau hơn 10 năm kiểm soát dòng vốn ra thị trường bằng cơ chế room tín dụng, NHNN nên xem xét điều chỉnh để phù hợp hơn với cơ chế thị trường nhằm hạn chế tối đa "xin - cho".
TS Nguyễn Văn Thuận, Trường Đại học Tài chính - Marketing, nhận xét hơn 10 năm qua, mức trần tín dụng 14% mà NHNN đặt ra đã góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Mức trần tín dụng nên duy trì trong thời gian tới để cung tiền không dồn quá nhiều vào bất động sản nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô.
"Vấn đề còn lại NHNN không để xảy ra lợi ích khi cấp hạn mức tín dụng cho mỗi NH thương mại. Đồng thời, với việc chắc tay điều hành chính sách tiền tệ và tùy vào mức độ biến động kinh tế trong và ngoài nước, cơ quan quản lý có thể linh hoạt điều chỉnh room tín dụng cho từng NH thương mại" - ông Thuận gợi ý.
TS Nguyễn Quốc Anh, Khoa NH Trường ĐH Kinh tế TP HCM, phân tích room tín dụng nếu xem là công cụ điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong một số thời điểm sẽ hiệu quả. Nhưng dưới góc độ thị trường thì chưa đúng thông lệ quốc tế trong bối cảnh hệ thống NH đang tiếp cận chuẩn của Basel (xác định các tiêu chuẩn về vốn để hạn chế rủi ro kinh doanh của NH và tăng cường hệ thống tài chính).
Theo tiêu chuẩn Basel, các NH thương mại sẽ kinh doanh theo khẩu vị rủi ro trên cơ sở định kỳ thực hiện kiểm tra sức khỏe (stress test) hệ thống, mỗi NH có sức chịu đựng khác nhau thì được lựa chọn khẩu vị cho vay khác nhau.
"Do đó, về lâu dài, NHNN nên cân nhắc bỏ dần room tín dụng để tăng tính thị trường trong điều hành, sau khi công cụ này đã phát huy hiệu quả thời gian qua và áp dụng những công cụ kiểm soát mang tính thị trường hơn như hệ số CAR, Basel…
Còn ở hiện tại, để việc nới room cho các NH thương mại đạt hiệu quả, cần định hướng và có cơ chế rõ ràng để dòng vốn từ việc nới room này chảy vào những lĩnh vực ưu tiên, khu vực sản xuất - kinh doanh trong giai đoạn phục hồi, các ngành bị ảnh hưởng đứt gãy chuỗi cung ứng" - TS Nguyễn Quốc Anh nói.
TS Hồ Quốc Tuấn, Đại học Bristol (Anh), cũng nhìn nhận "stress test" đang là công cụ được nhiều NH trung ương và NH thương mại sử dụng để kiểm soát dòng vốn tín dụng. Nếu NH nào có rủi ro cao sẽ yêu cầu tăng vốn hoặc không đẩy mạnh tín dụng nữa, thay vì biện pháp hành chính là cấp room tín dụng cho từng NH.
"Stress test vẫn tạo ra giới hạn tín dụng cho các NH nhưng trên cơ sở định lượng, khách quan, minh bạch và theo tính thị trường hơn. Mô hình này sẽ loại bớt chuyện xin - cho, NH nào quản lý hiệu quả, an toàn vốn mạnh, ít nợ xấu, hiệu quả chi phí tốt... sẽ được tiếp tục cho vay, thay vì chờ được cấp room" - TS Hồ Quốc Tuấn nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-6
Bình luận (0)