Tuy nhiên, nhiều nông dân tiếc nuối vì không có đủ số lượng và chất lượng thanh long để bán trong dịp này.
Giá tăng mạnh
Chúng tôi có mặt tại vùng trồng thanh long huyện Hàm Thuận Bắc, nhiều vườn thanh long đang thời kỳ chín mọng, rực đỏ. Tại nhiều vườn, bà con đang khẩn trương thu hoạch trái. Dường như niềm vui rạng ngời của bà con nông dân không thể giấu được trên khuôn mặt rám nắng, vì đã khá lâu giá thanh long mới tăng mạnh thế này.
Theo nông dân, hiện giá bán thanh long xuất khẩu đã nhích lên 20.000 đồng/kg (loại 1), tăng từ 6.000-7.000 đ/kg so thời điểm trước Tết. Những hộ thu hoạch thanh long bán trong đợt này đều chắc chắn có mức lãi khá.
Tuy nhiên, thực tế có rất ít hộ thu hoạch đạt sản lượng và chất lượng để bán được giá trên.
“Ít ai có sản phẩm loại I để bán được giá 20.000 đ/kg lắm và chẳng có số lượng nhiều, vì hầu hết chong đèn bị “gãy”. Như gia đình tôi vụ này chong đèn 200 trụ thanh long nhưng sản lượng thu hoạch thấp, chất lượng quả không tốt lắm nên bán với giá chỉ 15.000 đồng/kg, thu nhập chẳng bao nhiêu” - chị Nguyễn Thị Trang, một người trồng thanh long ở xã Hàm Thắng (Hàm Thuận Bắc) cho biết.
Còn gia đình chị Trần Thị Thủy, người cùng xã với chị Trang với diện tích trồng thanh long khoảng 600 trụ, nhưng ở thời điểm này không có hàng bán vì không đúng “pha” chong đèn. Do đó, khi giá thanh long tăng, chị chỉ biết… tiếc. Tương tự, hộ anh Lê Tùng (xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam) cho biết, gia đình anh trồng trên 1.000 trụ thanh long nhưng thời điểm này cũng không có hàng để bán.
Theo anh Tùng, hầu hết bà con trồng thanh long trong vùng bán giá dao động từ 17.000-20.000 đồng/kg tùy chất lượng trái. “Nhưng gia đình tôi khoảng 1-2 tuần nữa mới đến kỳ thu hoạch. Không biết đến lúc đó, giá cả sẽ nhảy múa theo hướng nào nên rất hồi hộp và trông chờ”.
Không chủ quan về sâu bệnh
Ngoài chuyện giá cả, tình hình sâu bệnh trên cây thanh long hiện nay cũng là vấn đề đáng quan tâm của ngành nông nghiệp và bà con nông dân.
Theo Chi cục BVTV Bình Thuận, đến nay diện tích thanh long nhiễm bệnh đốm nâu trên toàn tỉnh là 2.497,5 ha, chủ yếu nhiễm nhẹ với 2.340 ha, so với cùng kỳ năm 2016 tăng 1.861,5 ha. Ngoài ra, bệnh thối rễ, teo tóp cành với diện tích nhiễm 515 ha, phân bố tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và TX La Gi.
Để đối phó với dịch bệnh trên thanh long, Chi cục BVTV tỉnh đề nghị các trạm BVTV tiếp tục theo dõi sát diễn biến bệnh trên vườn; tuyên truyền, phổ biến “Quy trình kỹ thuật quản lý bệnh đốm nâu hại thanh long” cho người dân.
Đối với bệnh thối rễ, teo tóp cành, xử lý nguồn bệnh bằng thuốc BVTV (thuốc trừ nấm + thuốc trừ tuyến trùng) và phục hồi bộ rễ bằng các thuốc kích thích sinh trưởng hoặc các loại phân bón có khả năng kích thích ra rễ. Riêng những cây bị nặng có thể phun thêm phân bón qua lá để hồi phục.
Sau khi cây đã phục hồi rễ có thể bón thêm các phân có chứa hàm lượng lân cao như: Super lân, lân nung chảy, phosphrite... hoặc bón thêm phân hữu cơ khoáng hay hữu cơ vi sinh, tránh bón phân NPK, vôi với hàm lượng cao dễ gây tổn thương cho rễ mới hồi phục. Mặt khác, vệ sinh vườn, cắt tỉa cành, quả bị bệnh và tiến hành ủ bằng chế phẩm BIO-ADB để diệt nấm bệnh. Tuyệt đối không để cành, trái bị bệnh hại nặng trong vườn thanh long, hoặc vứt bỏ tại lề đường, bờ mương, bờ sông và kênh rạch vì đây là nguồn bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan theo gió và nước.
Bình luận (0)