Các hộ nông dân và luật sư Nguyễn Thị Hồng Ngân (áo đen) tại TAND TP Cần Thơ sáng ngày 11-4.
Sáng ngày 11-4, hơn 20 hộ nông dân là chủ nợ của Bianfishco cùng luật sư Nguyễn Thị Hồng Ngân (Công ty luật Tâm Chung, Đoàn Luật sư TPHCM, người được 20 hộ nông dân ủy quyền trong việc đòi nợ Bianfishco) nộp đơn lên TAND TP Cần Thơ yêu cầu tiến hành mở thủ tục phá sản đối với Bianfishco.
Theo đơn, Bianfishco hứa trả dứt điểm cho nông dân sau 20 ngày kể từ ngày thu hoạch cá nhưng cho đến nay vẫn chưa trả hết. Đến ngày 2-3 và ngày 20-3, các hộ nông dân tiếp tục gửi văn bản yêu cầu Bianfishco thanh toán dứt điểm hợp đồng mua cá trong dân nhưng cho đến nay vẫn không nhận thêm được khoản tiền nào từ công ty.
Ngoài ra, tổng số tiền mà Bianfishco nợ khách hàng là 1.541 tỉ đồng (không bao gồm nợ của Công ty TNHH Xây dựng và Thương Mại Diệu Hiền và cá nhân bà Phạm Thị Diệu Hiền, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Bianfishco). Trong đó, nợ các tổ chức tín dụng là 1.227 tỉ đồng, nợ tiền cá 41 hộ nông dân là 245 tỉ đồng, nợ BHXH 3 tỉ đồng và các khoản nợ với 10 tổ chức, cá nhân khác hơn 27,7 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (nông dân ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ) phân tích: “Như vậy, Bianfishco đã mất khả năng thanh toán cho các chủ nợ và đang lâm vào tình trạng phá sản. Tôi với tư cách là chủ nợ không có bảo đảm làm đơn yêu cầu TAND TP Cần Thơ mở thủ tục phá sản đối với Bianfishco”.
Ngoài ra, trong đơn này, 6 hộ nông dân còn yêu cầu tòa án xem xét trách nhiệm của bà Phạm Thị Diệu Hiền và các cá nhân khác có liên quan trong vấn đề nợ nông dân của Bianfishco.
Nhiều hộ nông dân rất thất vọng khi không được tiếp nhận
Tuy nhiên, khi luật sư Hồng Ngân cùng 6 hộ dân đến nộp đơn thì một nhân viên của TAND TP Cần Thơ trả lời: “Vụ này UBND TP đang giải quyết nên không nhận đơn”.
Luật sư Hồng Ngân cho biết: “Theo khoản 1 Điều 13, Chương 2 của Luật Phá sản năm 2004 “khi nhận thấy doanh nghiệp, HTX lâm vào tình trạng phá sản thì các chủ nợ không có bảo đảm hay có bảo đảm một phần đều có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, HTX đó”. Như vậy, người nông dân là chủ nợ của Bianfishco hoàn toàn có quyền yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản đối với Bianfishco”.
Ông Tống Văn Quang (chủ nợ của Bianfishco, ngụ quận Ô Môn) bức xúc: “Hiện nay chúng tôi như cá nằm trên thớt, ngân hàng thì siết nợ, các khoản tiền vay nóng bên ngoài phải chạy vạy khắp nơi để đóng lãi. Chúng tôi đã cùng đường nên nhờ tòa án can thiệp lấy lại số tiền bị công ty chiếm dụng để còn sản xuất nữa, nhưng việc họ từ chối nhận đơn làm nhiều người rất thất vọng”.
Theo nhiều hộ dân, việc yêu cầu Bianfishco phá sản sẽ triệu tập được cổ đông và các chủ nợ của Bianfishco để xử lý nhanh các khoản nợ và nông dân có pháp luật bảo vệ. Do cơ quan này không nhận đơn nên chiều cùng ngày, các hộ dân này đã đến Phòng tiếp dân của UBND TP Cần Thơ nhờ can thiệp.
Chiều cùng ngày, phóng viên Báo Người Lao Động đã gọi điện thoại cho ông Võ Thành Thống, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ hỏi về vấn đề trên nhưng ông Thống cho biết ông đang đi công tác nước ngoài và không trả lời.
Luật sư Ngân cũng cho biết thêm, bà sẽ tiếp tục làm việc lại với TAND TP Cần Thơ về việc thụ lý đơn yêu cầu làm thủ tục phá sản đối với Bianfishco và vì lý do gì mà tòa từ chối nhận đơn trong khi Luật phá sản có quy định.
Bình luận (0)