xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nông dân được lợi nhiều nhờ liên kết

TÂM MINH - DUY NHÂN - CA LINH - THỐT NỐT

Thực tiễn đã cho thấy khi hợp tác với doanh nghiệp, nông dân không còn lo rơi vào cảnh được mùa mất giá suốt nhiều năm qua

Nhiều vụ sản xuất, nông dân ĐBSCL mất vui vì điệp khúc "được mùa mất giá". Nguyên nhân muôn thuở vẫn do nền sản xuất manh mún, không tập trung, lại thiếu sự liên kết của các HTX, doanh nghiệp (DN) trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

Thiệt hại vì thiếu liên kết

Đang cân cho thương lái hơn phân nửa lượng lúa hè thu, ông Võ Tuấn Lập (ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) thở dài ngao ngán khi thương lái thông báo giá thu mua là 4.300 - 4.400 đồng/kg. Với tổng diện tích 2 ha trồng lúa IR50404, trừ hết chi phí, gia đình ông chỉ lãi được vài triệu đồng sau 90 ngày canh tác. "Với giá thương lái cam kết, tôi lãi được 150 - 200 đồng/kg lúa tươi, tương đương 1,2 - 1,4 triệu đồng/công lúa (1.000 m2). Nhưng thực tế, họ thường viện cớ lúa đổ ngã do mưa gió, còn không, sẽ nói giá thế giới xuống để ép giá nhưng mình có biết gì đâu mà kiểm chứng" - ông Lập buồn bã nói.

Nhiều năm nay, người dân trồng khoai lang tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long sản xuất trong tình trạng thấp thỏm khi đầu ra phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Vào cuối tháng 10-2018, do giá khoai lang xuống thấp (từ 230.000-280.000 đồng/tạ (60 kg), tỉnh đã "cầu cứu" Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) xem xét, báo cáo Chính phủ và có ý kiến với các bộ, ngành liên quan đàm phán, thỏa thuận với phía Trung Quốc đưa sản phẩm khoai lang vào danh mục hàng hóa được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Theo ông Ngô Văn Tua, một nông dân trồng khoai lang tại xã Thành Đông, huyện Bình Tân, khoai lang chủ yếu được thương lái thu mua rồi đi đường tiểu ngạch xuất sang Trung Quốc nên khi thị trường này ngừng "ăn hàng", giá khoai lập tức rớt thê thảm. "Một mặt do sản xuất manh mún, mặt khác do công nghệ sơ chế bảo quản sau thu hoạch chưa đáp ứng được, chưa có DN nào đủ tiềm lực để đứng ra bao tiêu sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu nên giá khoai lang cứ mãi bấp bênh" - ông Tua than thở.

Nông dân được lợi nhiều nhờ liên kết - Ảnh 1.

Vừa bán xong hơn 6 công mía gần 23 tấn, mỗi công lỗ gần 3 triệu đồng, ông Bùi Thanh Tùng (43 tuổi; ngụ xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) than: "Mấy năm nay trồng mía không lời, nguyên nhân do nhà máy đường cũng gặp khó khăn vì đường lậu nên họ cũng mua mía của nông dân với giá rất thấp. Bên cạnh đó, năng suất mía thấp nên cầm chắc thua lỗ".

Nông dân này thừa nhận do lâu nay trồng mía với diện tích nhỏ, theo tập quán cũ nên rất khó để DN hay nhà nước hỗ trợ giống mía và khoa học kỹ thuật. "Gần đây tôi xem đài, có khuyến cáo nông dân nên vào HTX hoặc tổ hợp tác để có diện tích lớn sản xuất, từ đó liên kết với DN để có đầu ra, sản phẩm được tiêu thụ ổn định. Tôi rất mong mỏi điều này" - ông Tùng nói.

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, vào năm 2002, để tránh tình trạng nông dân không bán được sản phẩm và DN không mua được nguyên liệu, Chính phủ đã có Quyết định 80/2002/QĐ-TTg để gắn nhà nông và DN. Nhưng trong thực tế, sự gắn kết này rất lỏng lẻo mặc dù phí quản lý đối với các DN rất cao. Vẫn còn cảnh mạnh nông dân bán cho ai thì bán và DN mua của ai thì mua. Trong những hoạt động mua bán đó, đã có một số mô hình tương đối thành công hơn tại một số tỉnh, thành phố, nhất là An Giang và Cần Thơ, khi DN gắn kết chặt chẽ với HTX nông nghiệp thay vì với nông dân cá thể. Hiện tại, nhìn chung phần lớn DN và nông dân không gắn kết nhau, mà cả hai chỉ gắn với thương lái là chính. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục, cảnh được mùa rớt giá, bẻ kèo lẫn nhau vẫn tiếp tục diễn ra rồi lại nhờ nhà nước ra tay tiêu thụ giùm cho nông dân.

Khuyến khích doanh nghiệp tham gia

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn (ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) cho biết gia đình có 2 ha đất sản xuất, nhiều năm áp dụng mô hình tôm - lúa, ông chú trọng con tôm hơn nên mua giống lúa trôi nổi bên ngoài trồng, thu hoạch kém hiệu quả về số lượng lẫn chất lượng. Gạo không đạt tiêu chuẩn, phải bán cho thương lái bên ngoài với giá rất bấp bênh. Tuy nhiên, từ khi tham gia chương trình liên kết DN - nhà nông để sản xuất gạo sạch, ông được phía DN cam kết thu mua với giá thấp nhất là 6.600 đồng/kg lúa. Nếu giá thị trường vượt cao quá mức này, công ty sẽ mua bằng với giá thị trường. "Khi hợp tác, công ty hỗ trợ nguồn giống và kỹ thuật canh tác nên năng suất cao hơn, gạo lại đạt chất lượng và bán được giá cao. Được bao tiêu sản phẩm nên tôi bắt đầu chú trọng đến cây lúa hơn" - ông Tuấn chia sẻ.

Là một trong những HTX đi đầu trong việc liên kết với DN, ông Nguyễn Thanh Hiệp, Giám đốc HTX Tiến Cường (xã Tân Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), cho biết: "Cũng nhờ làm lúa với mô hình liên kết mà cuộc sống của nông dân xã thay đổi hơn trước rất nhiều. Đời sống khởi sắc, những năm gần đây, bà con không phải đổ xô đi làm ăn xa như trước".

Chỉ tay về phía cánh đồng đang trổ mạ, ông Hiệp khoe đó là cánh đồng liên kết theo mô hình "ruộng nhà mình" có lắp camera quan sát, làm lúa ở đây không chỉ được bao tiêu mà còn được hỗ trợ giá nên người dân phấn khởi. Từ thành công của vụ liên kết đầu tiên, các vụ sau, số lượng thành viên của HTX không ngừng tăng.

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết Đồng Tháp có thế mạnh về nông nghiệp nhưng tỉnh đã xác định kinh tế không thể phát triển, nông dân không thể làm giàu nếu không thay đổi phương thức sản xuất, không có những DN đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp để nâng cao sức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, không chỉ mời gọi, Đồng Tháp còn áp dụng nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này. "Chúng tôi xác định vai trò của DN trong việc dẫn dắt sản xuất theo nhu cầu của thị trường, góp phần chuyển đổi tư duy làm kinh tế nông nghiệp cho nông dân trong tỉnh. Chính vì vậy, Đồng Tháp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà đầu tư tham gia xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, bảo quản và tiêu thụ" - ông Nguyễn Văn Dương khẳng định.

Chỉ mong tìm được doanh nghiệp uy tín

Nhiều nông dân cho biết họ rất mong được ký kết hợp đồng tiêu thụ với DN để tránh bị ép giá nhưng mong muốn nhà nước lựa chọn những công ty làm ăn có uy tín thực hiện để giúp nông dân yên tâm canh tác.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo