Hiện giá lúa tươi ở ĐBSCL chỉ từ 3.400 - 3.600 đồng/kg, giá lúa khô từ 4.000 - 4.500 đồng/kg, tùy địa phương. Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, tỉnh này đã thu hoạch được 50.000 ha lúa hè thu với năng suất khoảng 5,88 tấn/ha. Trong đó, lúa chất lượng cao có giá 4.100 - 4.900 đồng/kg, lúa tươi IR 50404 từ 3.800 - 3.900 đồng/kg, lúa khô khoảng 4.500 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Hùng (ngụ xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) rầu rĩ: “Vụ hè thu năm nay, nông dân chỉ hòa đến lỗ vốn do giá lúa thấp. Giá rớt, thương lái không dám thu mua nên lúa chất đầy đồng”.
Đối với những địa phương không thể đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch thì giá lúa lại thấp hơn từ 200 - 300 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Đèo (thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) cho biết: “Hiện nay, nếu lúa gặt bằng tay thì có giá khoảng 3.650 đồng/kg. Vì gặt bằng tay thì lúa bị ướt nên nặng hơn khiến thương lái thu mua với giá thấp”.
Giá lúa tại ĐBSCL đang giảm mạnh
Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện nay thị trường xuất khẩu lúa chất lượng thấp phải cạnh tranh với Ấn Độ, Myanmar. Những nước này bán gạo giá rẻ hơn Việt Nam nên VFA chỉ xuất gạo loại 25% tấm. Nhưng chủng loại này kén thị trường, khó bán, các doanh nghiệp chậm mua nên giá xuống thấp.
Tại hội nghị “Giải pháp tiêu thụ lúa gạo vụ hè thu, triển khai kế hoạch vụ lúa thu đông và vụ mùa 2012 ở ĐBSCL” ngày 21-6 ở TPHCM, Cục Trồng trọt đề xuất phương án mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo nhằm làm giảm áp lực tiêu thụ lúa hè thu trong dân. Về vấn đề này, ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, nhìn nhận: “Đến mùa thu hoạch rộ, giá lúa ở ĐBSCL thường giảm vì cung cao hơn cầu. Việc Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp mua tạm trữ gạo là động thái để tăng giá lúa”.
Còn ông Dương Nghĩa Quốc bày tỏ: “Tình hình giá lúa hè thu năm nay rất ảm đạm, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo công bố của Bộ Tài chính, giá thành lúa hè thu là 3.993 đồng/kg, nếu muốn bảo đảm cho người dân lời 30% thì giá lúa phải ở mức từ 5.200 đồng/kg trở lên”. Tuy nhiên, ông Quốc cũng cho rằng trong vụ đông xuân vừa qua, Chính phủ cũng triển khai việc mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo nhưng giá lúa chỉ nhích lên vài trăm đồng, tăng không bao nhiêu.
Và khi các doanh nghiệp thành viên VFA mua xong gạo tạm trữ thì giá lúa “nhảy vọt” lên, lúc này nông dân đã hết lúa bán. “Chính phủ cần có cơ chế tăng giá mua lúa cho nông dân và phân chia lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp và nông dân. Nếu không, lợi nhuận cuối cùng rơi vào túi doanh nghiệp, còn nông dân chịu chết” - ông Dương Nghĩa Quốc nói.
Bình luận (0)