Theo ông Đại, vào sáng ngày 10-1 vừa qua, có khoảng 30 hộ dân tập trung về trước trạm thu mua sữa Cầu Sắt của Công ty CP sữa Đà Lạt (Dalat milk) để giao sữa cho công ty. Tuy nhiên, vì quy định của đơn vị này chỉ thu mua 16 lít sữa/con bò nên người dân không bán hết. Do vậy, có người đã đổ khoảng 10 lít sữa ra đường để báo chí đưa tin chứ lượng sữa đổ không nhiều.
Nội dung phát biểu này của ông Đại đã làm nhiều phóng viên có mặt tại buổi giao bán báo chí bức xúc, bất bình. Phóng viên Lâm Viên, báo Thanh Niên lập tức cho biết: “Khi chúng tôi tới nơi đã thấy sữa chảy tràn lan ra đường, còn một người duy nhất đang cầm can khoảng 20 lít đổ sữa xuống đất. Tôi may mắn chụp được khoảnh khắc này. Đồng nghiệp của tôi, anh Thụy Trang (báo Lâm Đồng) lúc đó đang chỉnh máy cũng không kịp chụp hình!...”.
Phóng viên này cho rằng việc Phó Chủ tịch huyện Đơn Dương nói như vậy chẳng khác nào đỗ lỗi báo chí đã yêu cầu người dân đổ sữa ra đường.
Ông Đại sau đó đã không có lời đối đáp lại và cũng không giải thích gì thêm.
Nhiều người khẳng định, chỉ cần nhìn qua những hình ảnh mà một số phóng viên ghi nhận được tại hiện trường hôm xảy ra vụ người dân đổ sữa bò ra đường để phản đối quy định chỉ mua 16 lít sữa/con bò/ngày, có thể dễ dàng nhận thấy dòng sữa chảy tràn lan ra đường, kéo dài hàng chục mét, số sữa bị đổ chắc chắn phải nhiều hơn con số 10 lít mà ông Đại đã nói.
Ông Lê Văn Minh, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, cho biết nguyên nhân đàn bò sữa tại Lâm Đồng tăng trưởng quá nóng là do những năm gần đây có những lợi thế để phát triển như nguồn thức ăn cho bò sẵn có, dồi dào, giá sữa được các doanh nghiệp thu mua cao nên đàn bò sữa phát triển nhanh, lợi nhuận ngành chăn nuôi bò sữa rất lớn. Đến giữa năm 2014 bắt đầu có những biểu hiện xấu khi giá sữa thế giới giảm. Từ đầu tháng 9-2014, Lâm Đồng đã làm công tác tuyên truyền tới người dân hạn chế chăn nuôi bò sữa.
Ông Minh còn cho biết nếu tình huống xấu nhất vẫn tiếp tục diễn ra là không tiêu thụ được sữa thì có thể phải vận động người chăn nuôi xem lại giới tính bò, tập trung phát triển bò đực để bán thịt, còn bò cái thì bỏ ngay từ lúc mang thai.
Hiện tổng đàn bò của huyện Đơn Dương, nơi chăn nuôi bò sữa lớn nhất Lâm Đồng có 8.848 con, tăng 222 con so với cuối năm 2014, sản lượng sữa trên 50 tấn/ngày. Toàn huyện có 614 gia đình chăn nuôi bò sữa đã ký hợp đồng, hiện còn 62 hộ đạt sản lượng 2,5 – 3 tấn/ngày chưa được ký hợp đồng tiêu thụ sữa.
Bình luận (0)