xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nông dân làm thời trang

THÙY TRANG

Trong Tuần lễ Thời trang Việt Nam Xuân Hè 2011 tổ chức đầu tháng 12-2010 tại TPHCM, sự xuất hiện của các sản phẩm giày, túi xách mang thương hiệu Tồn Phát đã khiến nhiều người chú ý. Người ta càng chú ý hơn bởi chủ nhân những sản phẩm thời trang này lại là một nông dân chính hiệu - ông Trần Văn Nga, mà người trong giới thường quen gọi là chú Sáu.

Nhà thiết kế Minh Hạnh phác họa chân dung “chú Sáu nông dân”: “Đó là một nông dân Nam Bộ với gương mặt “lì đòn” - có lẽ do hàng chục năm sống chung với loài cá sấu dữ dằn, ít nói, hình thức bên ngoài không hề giống người làm thời trang nhưng khi cần thì nói tiếng Anh, tiếng Pháp lưu loát với khách hàng nước ngoài”.
 
img

“Chú Sáu nông dân” giới thiệu sản phẩm từ da cá sấu mà ông vừa thực hiện. Ảnh: ThỤY VŨ

 
Tôi hẹn chú Sáu nhiều lần nhưng phải “rượt đuổi” muốn hụt hơi mới gặp được ông. Vừa ở cửa hàng tại trung tâm TPHCM, 30 phút sau lại nghe ông thông báo đang xuống xưởng thuộc da cá sấu tận Củ Chi. Mới hôm qua còn bận rộn với những sản phẩm túi xách vừa thành hình, hôm sau đã nghe ông tất bật chuẩn bị đi châu Phi hai tháng tìm khách hàng...
 

Là nông dân, tôi chuộng sự giản dị, thật thà với hai chữ làm đầu: uy tín.

 
Ông TRẦN VĂN NGA
Đến nay, trại cá sấu của chú Sáu đã có trên 20.000 con. Chú Sáu cho biết trước đây, có thời gian gia đình ông buôn bán hải sản. Việc kinh doanh bết bát, bạn bè ông liền nửa đùa nửa thật: “Mày nên nuôi cá sấu để chúng ăn tôm cá bán ế”.
 
Ngẫm nghĩ thấy cũng có lý, năm 1987, ông tìm mua 100 con cá sấu về nuôi thử. Không chỉ nuôi để “ăn tôm cá ế”, ông còn mày mò tìm cách ấp trứng để phát triển đàn cá sấu. Không biết hỏi ai, ông hết sang Campuchia, Thái Lan tìm hiểu rồi lại lò mò đến thư viện lùng tài liệu. Những thông tin trong một cuốn sách của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc đã giúp ông nắm được những kiến thức cơ bản nuôi cá sấu. Sau đó, ông đến Úc học cách nuôi cá sấu lấy da.
 
Tiến thêm một bước, chú Sáu học cách  thuộc da cá sấu. “Tôi học nghề thuộc da cũng chỉ vì tự ái dân tộc. Khi tôi làm được những sản phẩm đầu tiên, có khách hàng người Ý bỉu môi chê da cá sấu thuộc của Việt Nam sao mà cứng như vải bao bố! Tôi “quê” lắm nên quyết tâm học hỏi thêm ở những nơi thuộc da nổi tiếng trên thế giới, làm sao để sản phẩm mình phải bằng hoặc hơn của người Ý” - ông bộc bạch.
 
Không ít khách hàng mua da cá sấu thuộc của chú Sáu đã thắc mắc với ông: “Tại sao ông không tạo ra sản phẩm tiêu dùng trong khi có trong tay chất liệu tốt như thế?”. Được lời như cởi tấm lòng, bởi đó là điều mà chú Sáu luôn trăn trở: Không thể chỉ bán sản phẩm thuộc da thô mãi. Thế là ông bắt đầu nghĩ đến việc thực hiện những sản phẩm thời trang trên chất liệu da cá sấu, da trăn...

“Tôi lao vào thuộc và may đồ da cá sấu. Tiếp đó, tôi sang Ý học về quy trình thuộc da. Chưa hài lòng với sản phẩm của mình, tôi lại đi Pháp để học lớp nâng cao” – ông tâm sự.
 
23 năm nuôi rồi thuộc da và thực hiện những sản phẩm từ da cá sấu, chú Sáu nhận ra một điều: Khi sản phẩm của mình được khách hàng Nhật chấp nhận tức là đã đạt yêu cầu. “Sản phẩm từ da cá sấu của tôi phải làm đi làm lại rất nhiều lần mới được người Nhật chấp nhận.
 
Mà hễ người Nhật chịu thì sản phẩm đó đi đâu cũng được chấp nhận. Với khách hàng khó tính như vậy, nếu mình biết lắng nghe và tìm cách khắc phục nhược điểm thì sẽ thành công” – chú Sáu khẳng định.
 
Đó cũng chính là lý do khiến ông quyết định hợp tác cùng nhà thiết kế Minh Hạnh để làm ra những sản phẩm hoàn hảo hơn. Chị Minh Hạnh chia sẻ: “Thật ra, da cá sấu hay da trăn không có gì mới mẻ, nhất là với những nhà thiết kế, mà quan trọng là chất lượng. Hợp tác với chú Sáu, tôi rất thú vị bởi thấy được một dây chuyền khép kín cho công nghệ da cá sấu”.
 
Triết lý kinh doanh của chú Sáu rất đơn giản nhưng không dễ thực hiện. Ông bảo: “Tôi vốn là một nông dân nên chuộng sự giản dị, thật thà và kinh doanh chỉ với hai chữ làm đầu: Uy tín. Có lần, một khách hàng người Pháp hỏi túi xách của tôi là da cá sấu thật hay giả, thuộc ở đâu, chất lượng có bằng của Ý không. Tôi tình thật trả lời rằng da cá sấu này là thật, do chính tôi thuộc nhưng chất lượng không bằng của Ý. Họ cười xòa rồi mua ngay những túi xách đó”.
 
Ở tuổi 60, nhiều người đã nghỉ ngơi và tìm cách hưởng thụ thành quả lao động cả đời mình nhưng với ông Sáu, “nhiều người trên 70 tuổi vẫn làm việc mà mình mới chừng này tuổi đã đòi nghỉ thì quả là chướng! Vả lại, tôi còn mục tiêu phía trước”.
 
Tôi thắc mắc về mục tiêu ấy, chú Sáu cười, thổ lộ: “Tôi cố gắng làm việc kiếm thêm nhiều tiền để thực hiện ước nguyện từ lâu của mình là lập quỹ hỗ trợ trẻ em nghèo, mồ côi hiếu học và người già neo đơn. Tôi đã trải qua cuộc sống vất vả của trẻ mồ côi, của học sinh nghèo nên thấu hiểu được những cảnh đời ấy”.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo