Giá cao, nông dân tiếc hùi hụi
Những ngày qua, giá lúa đông xuân cuối vụ ở các tỉnh ĐBSCL đang có xu hướng tăng mạnh do nguồn cung khan hiếm. Tại Cần Thơ, tính đến nửa cuối tháng 3, nông dân thu hoạch dứt điểm 87.000ha lúa đông xuân. Hiện giá lúa khô giống IR 50404 được các doanh nghiệp (DN) thu mua trong dân từ 5.800 - 5.900 đồng/kg, giá lúa khô giống Jasmine từ 6.700 - 6.800 đồng/kg, tăng bình quân 500 - 700 đồng/kg so với đầu vụ. Tại nhiều địa phương khác, có thời điểm, nông dân bán lúa tại nhà cho thương lái với giá 6.200 - 6.300 đồng/kg. Mức giá này cao hơn 1.000 đồng/kg so với hồi cuối tháng 2 và cao hơn đến 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 1.2016. Đây là mức giá cao nhất từ đầu vụ tới nay. Giá lúa tăng cao nhưng nhiều nông dân không còn lúa để bán do hiện nay là thời điểm cuối vụ đông xuân, hầu hết nông dân đã thu hoạch xong và bán lúa tươi cho thương lái tại ruộng. Trước đó, nhiều bà con đã nhận tiền cọc bán lúa cho thương lái với giá thấp hơn ngay từ đầu vụ.
Ông Nguyễn Thanh Sơn (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) cho biết: Nhiều năm qua, giá lúa bấp bênh, thậm chí, đến mùa thu hoạch bà con không bán được, lại thêm năm nay hạn mặn khốc liệt nên ai cũng mang tâm lý lo sợ. Cũng do vậy, khi thương lái đến đặt cọc, không ít nông hộ đã nhận tiền bán lúa. Đến cuối vụ, khi giá lúa tăng ai cũng tiếc hùi hụi. “Hiện thương lái mua lúa tại ruộng với giá khoảng 5.400 đồng/kg, lúa khô hơn 6.000 đồng/kg, tăng gần 1.000 đồng/kg so với đầu vụ. Gia đình tui trồng khoảng 1ha, năng suất đạt khoảng 5 tấn, tính ra mất đi 5 triệu đồng tiền lời, khoản này đã lọt vào túi thương lái” - ông Sơn nói.
Vụ lúa đông xuân 2015 - 2016, nông dân tỉnh Hậu Giang xuống giống gần 80.000ha, đến nay cũng cơ bản thu hoạch xong. Chỉ tính riêng huyện Phụng Hiệp có khoảng 10.000ha lúa nông dân bán thông qua cò, chịu “mất đi” hơn 20 tỉ đồng lợi nhuận.
Mua cả… lúa non
Ghi nhận của PV Báo Lao Động cho thấy, ngay từ khi vụ đông xuân chưa kết thúc đã xuất hiện tình trạng thương lái ồ ạt đi thu mua lúa, mà theo miêu tả của nông dân là “mua cho bằng được” để trữ lại chờ giá lên. Đến vụ hè thu này, khi các cánh đồng lúa còn chưa tròn tháng tuổi, “cò” lúa đã lùng sục khắp nơi đề nghị đặt tiền cọc mua lúa non, kể cả lúa vừa gieo, thậm chí chưa xuống giống. Rút kinh nghiệm bị thiệt thòi những lần trước, nhiều nông hộ đã quyết định không nhận tiền. Ông Ngô Văn Luận (ấp 4A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, Hậu Giang) cho hay: “Vụ nào nhận tiền cọc trước cũng bán lúa với giá thấp hơn thị trường từ 100 - 200 đồng/kg, có khi mất cả nghìn đồng/kg. Nên lần này, gia đình tui không vội nhận tiền trước, mặc dù đã có nhiều cò lúa đến đề nghị đặt cọc. Vụ này, tui để đến khi lúa gần cắt mới lấy tiền cho chắc ăn”.
Ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang - cho biết: Những ngày qua, nhiều thương lái đã thỏa thuận mua lúa vụ hè thu của nông dân mới gieo sạ chỉ vài ngày với giá khá cao. Điều này là do các thương lái đón đầu giá lúa nguyên liệu tại các tỉnh vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục tăng hoặc đứng ở mức cao. Đây là một tín hiệu rất khả quan cho người dân trong vụ lúa này, tuy nhiên bà con cũng cần xem xét kỹ trước khi nhận tiền cọc. Bởi, dù hạn mặn đang diễn ra khốc liệt, nhưng vẫn có nhiều địa phương nằm trong phạm vi an toàn, riêng Hậu Giang là một trong số ít các tỉnh có điều kiện canh tác vụ hè thu đúng lịch thời vụ, đây được xem là cơ hội vàng cho người trồng lúa của tỉnh. Bà con phải thật bình tĩnh để tránh thiệt thòi.
Bình luận (0)