Theo các thương lái, việc đóng cửa rừng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhu cầu gỗ cao su nguyên liệu tăng lên nhanh chóng kéo theo giá cây cao su cũng tăng cao. Từ đó, gỗ cao su hiện đang được sử dụng rất nhiều trong sản xuất đồ gia dụng, không chỉ cho thị trường trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu. Dự kiến, nhu cầu của thị trường sẽ vẫn tiếp tục “nóng” trong thời gian tới và mang lại nhiều lợi nhuận cho người trồng cao su.
Vào thời điểm cuối tháng 9 này, các vườn cao su già qua thanh lý đang lên cơn “cơn sốt” không chỉ với nhà vườn mà còn đối với thương lái . Nhiều nhà vườn cho biết họ rất bất ngờ khi giá cây cao su thanh lý đột nhiên tăng cao gấp nhiều lần so với cùng kì năm trước. Điều này đã khiến các nhà vườn “đua nhau” thanh lý vườn cao su để thu được mức giá cao.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hường ở thôn Phú Tân, xã Phú Trung, huyện Phú Riềng đã bán gần 2 ha cây cao su thanh lý.
Có mặt tại vườn cao su đang trong quá trình thanh lý của gia đình ông Nguyễn Văn Hường, ở thôn Phú Tân, xã Phú Trung, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước, chúng tôi ghi nhận được sự tất bật của việc cưa cắt cây để thương lái kịp tiến độ thu mua những vườn cao su thanh lý khác.
Ông Hường cho biết với gần 2 ha cao su đang ở trong giai đoạn thanh lý thì chỉ riêng việc bán cây cho thương lái ông cũng đã thu về trên 700 triệu đồng.
“Giá cây cao su mọi năm chỉ dao động ở mức từ 600.000 – 700.000 đồng/cây tùy theo địa hình. Vườn cây nào đường dễ vào thì bán được giá 700.000 đồng/cây, còn đường khó đi thì chỉ 600.000 đồng/cây. Nhưng năm nay vườn của tôi mặc dù đường khó đi vẫn bán được 1 triệu đồng/cây”, ông Hường nói.
Trong khi những vườn cao su khác trồng cùng thời điểm đã thanh lý những năm trước đó khi mủ cao su xuống giá thì vườn nhà ông Hường lại thanh lý chậm hơn và rơi ngay vào thời điểm thuận lợi khi cây cao su thanh lý được giá. Số tiền thu được từ cao su thanh lý cũng đủ để ông vừa có được lợi nhuận vừa có tiền tiếp tục đầu tư xuống giống và chăm sóc lứa cao su tiếp theo.
“Đợi thanh lý xong vườn cao su này tôi sẽ tiếp tục xuống giống cao su chứ không trồng cây khác”, ông Hường chia sẻ.
Tăng trung bình 300.000 đồng/cây so với cùng kì năm trước là mức giá tăng đột biến và thậm chí là chưa từng có đối với cây cao su thanh lý trước đây.
Mức giá của cây cao su cao nhất hiện lên đến gần 2 triệu đồng/cây đối với loại đã có tuổi đời trên 20 năm. Thế nên, chỉ cần có 1 ha cao su thanh lý, nhà vườn đã có thể thu về hàng trăm triệu đồng. Điều này nhanh chóng kéo theo giá đất cao su cũng tăng lên và bắt đầu có dấu hiệu “sốt” trở lại sau thời gian ảm đạm do mủ cao su xuống giá.
Ông Trần Văn Sáu, nhà vườn ở thôn Phú Tân, xã Phú Trung, nhận định “giá cao su tăng cao như thế này thì chắc chắn giá đất cũng phải cao. Mọi năm thì giá lên xuống thất thường nhưng năm nay giá rẫy cao su tăng lên nhiều”.
Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư chuyên mua bán đất trên địa bàn tỉnh Bình Phước, giá đất cao su hiện vào khoảng 800 triệu đồng, đến hơn 1 tỷ đồng/ha trong khi năm trước chỉ khoảng 600 triệu đồng. Không chỉ giá đất cao su tăng mà giá đất trồng các loại cây khác cũng tăng lên cao do sự kích thích từ giá cây cao su.
"Để hưởng giá cao của cây cao su thanh lý, nhiều nhà đầu tư vẫn chấp nhận mua vườn giá cao bởi vẫn có lợi nhuận sau khi bán đi số cao su thanh lý", anh Nguyễn Lý, một nhà đầu tư đất trên địa bàn huyện Đồng Phú cho biết.
Giá cây cao su thanh lý tăng đã khiến nhiều nhà vườn có cao su già cỗi đổ xô thanh lý cây để được giá trong thời điểm này. Đây thực sự là điểm đột phá giữa lúc thị trường cao su chưa ổn định trở lại, đồng thời, khiến những nhà vườn gắn bó với cây cao su trên địa bàn tỉnh Bình Phước có thêm điểm tựa với loại cây trồng chủ lực này.
Bên cạnh đó, việc tăng giá cây cao su thanh lý cũng là yếu tố thúc đẩy thị trường cao su sôi động trở lại và mang những tác động tích cực hơn đối với giá mủ cao su.
Bình luận (0)