Lãi suất các loại ngoại tệ ngoài USD đang tăng mạnh. Ảnh: Hồng Thúy
Đua nhau nâng lãi suất
Hiện mức lãi suất huy động vàng cao nhất phải kể đến NH Việt Nam Tín Nghĩa và NH Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) với mức 3,2%/năm. Tại Việt Nam Tín Nghĩa, khách hàng gửi vàng qua chứng chỉ bằng vàng sẽ được hưởng mức lãi suất 3,2%/năm cho các kỳ hạn từ 3 đến 9 tháng. Còn SCB áp dụng mức lãi suất này với kỳ hạn từ 3 đến 11 tháng.
Nhiều NH vốn có thế mạnh về ngoại hối cũng “nhảy” vào cuộc đua tăng lãi suất huy động vàng. Tại NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), lãi suất gửi vàng cao nhất là kỳ hạn 3 tháng ở mức 2,2%/năm, các kỳ hạn khác mức lãi suất từ 1,5% - 2,1%/năm. Còn NH Á Châu (ACB) đang phát hành chứng chỉ huy động vàng lãi suất tối đa 1,6%/năm kỳ hạn 1 đến 3 tháng… Để tăng độ hấp dẫn cho khách hàng, ACB còn áp dụng chương trình “Ngày vàng ACB” với lãi suất lên đến 2,5%/năm khi khách hàng mua chứng chỉ huy động vàng từ 10 lượng trở lên.
Ở NH Đông Á, tuy thông báo hạn chế huy động vàng qua gửi tiết kiệm với lãi suất chỉ 0,4%/năm, nhưng nhân viên tư vấn của NH này cho biết nếu khách hàng sử dụng dịch vụ giữ hộ vàng sẽ được hưởng lợi tức lên tới 3%/năm. Các NH Việt Á, NH Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank)… cũng tăng mạnh lãi suất gửi vàng.
Không chỉ lãi suất vàng dậy sóng, lãi suất tiền gửi các loại ngoại tệ khác ngoài USD cũng đua nhau tăng. NH HSBC áp dụng mức lãi suất tiền gửi đô la Úc (AUD) lên tới 4%/năm. Còn Việt Nam Tín Nghĩa huy động euro lãi suất lên tới 3,2%/năm cho kỳ hạn từ 12 - 24 tháng; AUD lãi suất cao nhất 3,8% kỳ hạn từ 6 - 24 tháng... Tuy nhiên, mức lãi suất euro cao nhất phải kể đến SCB khi NH này huy động đến 4%/năm cho các kỳ hạn từ 12 - 24 tháng…
Hồi tháng 5-2011, sau khi thông tư về ngừng huy động và cho vay bằng vàng của NH Nhà nước có hiệu lực, đa số NH đều giảm mạnh lãi suất huy động vàng chỉ còn từ 0,2% - 1%/năm. Đến đầu tháng 10, khi NH Nhà nước cho phép một số NH được bán vàng huy động, kinh doanh vàng qua tài khoản… lãi suất gửi vàng đã tăng mạnh trở lại.
Hỗ trợ thanh khoản?
Theo lãnh đạo một số NH, do lãi suất VNĐ và USD đều bị áp trần khiến các NH phải tìm mọi cách để lách qua “cửa” khác, bù đắp thanh khoản. Nguyên trưởng phòng ngoại hối của một NH tại TPHCM cho rằng lãi suất huy động vàng tăng chủ yếu giải quyết vấn đề thanh khoản. Thời gian qua, nhiều khách hàng đã rút vàng trước hạn để bán ra thị trường khiến nguồn vàng huy động của NH bị hụt nên các NH đành tăng lãi suất huy động. Số vàng huy động được, các NH có thể đem thế chấp, cầm cố ở NH bạn vay VNĐ với lãi suất thấp hơn vay trên thị trường liên NH, thậm chí có thể chuyển thành tiền đồng khi cần thiết.
Theo chuyên gia tài chính Lê Trọng Nhi, các NH đành tìm đến vàng như một giải pháp tạm thời giải quyết áp lực thanh khoản. “Điều này có thể tạo ra rủi ro cho chính NH khi biến động giá vàng và một số bất ổn khác trên thị trường vàng, ngoại hối. Trong khi đó, nhiều NH thương mại chưa áp dụng các biện pháp chống rủi ro biến động giá vàng một cách xuyên suốt” - chuyên gia Lê Trọng Nhi nhận định.
Còn việc tăng mạnh lãi suất euro, AUD, CAD… lãnh đạo một NH cho rằng đây là diễn biến bình thường khi các loại ngoại tệ này đang mạnh lên trên thị trường. Theo các chuyên gia, khi USD bị áp trần tất yếu sẽ có sự chuyển dịch trong thị trường lãi suất và tỉ giá. Lúc này, euro, CAD, AUD… là những lựa chọn tất yếu. Sự chuyển dịch này sẽ giúp các NH tránh được trần lãi suất USD mà vẫn thu hút khách hàng gửi bằng các loại ngoại tệ khác.
Nhìn thẳng vào vấn đề, đại diện một NH cho rằng đây là cách “cứu” thanh khoản của các NH. Trên bảng tổng tài sản của các NH, tổng số dư tiền gửi VNĐ sẽ chiếm 80%, số còn lại dành cho vàng, USD và các loại ngoại tệ khác… Tuy nhiên, thời gian qua, số dư tiền gửi VNĐ từ dân cư của các NH sụt giảm buộc các NH phải thay bằng vàng hoặc các ngoại tệ khác.
Giá vàng biến động mạnh Đến 15 giờ 30 phút ngày 18-11, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng mua vào 45,67 triệu đồng/lượng, bán ra 45,87 triệu đồng/lượng. So với chiều hôm trước, giá vàng giảm hơn 400.000 đồng/lượng. Trong ngày, giá vàng liên tục biến động mạnh theo giá thế giới, có lúc giảm chỉ còn 44,55 triệu đồng/lượng (bán ra). Giá vàng giảm khiến lực mua tăng, thị trường sôi động hơn so với những ngày trước. Tuy nhiên, đà giảm của giá vàng trong nước vẫn thua xa giá thế giới. Giá vàng thế giới đã lao dốc một mạch từ 1.765 USD/ounce vào chiều hôm trước xuống còn 1.715 USD/ounce vào sáng qua (giờ Việt Nam). Đến 15 giờ, giá vàng hồi phục lên mốc 1.726 USD/ounce nhưng vẫn giảm hơn 30 USD/ounce, tương đương 750.000 đồng/lượng so với hôm trước. Giá vàng thế giới giảm mạnh khi nhà đầu tư bán vàng ra. Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết là 43,7 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá thế giới - trong nước nới rộng sau nhiều ngày biến động khá sát nhau. Giá vàng trong nước điều chỉnh chậm hơn giá thế giới khiến chênh lệch nới rộng khoảng 2 triệu đồng/lượng. |
Bình luận (0)